Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, về công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố, nhất trí với những nội dung công tác tổ chức và quản lý lễ hội theo kế hoạch của Sở Văn hóa và Thể thao, đầy đủ, chi tiết, rõ vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã. Việc tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết; công tác tổ chức phải đảm bảo trang nghiêm, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân và du khách.
Nội dung các kế hoạch triển khai cũng như văn bản chỉ đạo của thành phố về công tác tổ chức và quản lý lễ hội cần bám sát yêu cầu thực tế đặt ra. Đặc biệt là các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vì vấn đề liên quan đến Covid-19 có thể thay đổi hằng ngày, hằng giờ. Để thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2021 trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thành phố thực hiện kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Kết hợp đoàn kiểm tra của thành phố và của địa phương thống nhất nội dung, chương trình kiểm tra, tránh tình trạng chồng chéo, gây phiền hà cho cơ sở. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về tổ chức và quản lý lễ hội, kịp thời báo cáo UBND thành phố xử lý nội dung vượt thẩm quyền của đơn vị. Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục các biện pháp tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các điểm di tích, danh lam thắng cảnh, khu vực diễn ra lễ hội. Các điểm diễn ra lễ hội, cần bố trí người hướng dẫn để người dân và du khách biết và thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với các sở: Y tế, Giao thông Vận tải, Công Thương, NN&PTNT, Du lịch, Công an thành phố... tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, sẵn sàng các phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, xử lý hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại. Tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan qua đường dây nóng, công khai rộng rãi số điện thoại liên hệ để mọi người dân và du khách biết. Liên quan đến nhiệm vụ trên, các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, song song quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố, tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở để nhân dân, du khách tham gia lễ hội thực hiện tốt nếp sống văn minh và đón Tết vui xuân an toàn. Đồng thời, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình dịch bệnh, thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác đến người dân để chủ động phòng dịch. Đặc biệt, khuyến cáo người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc đeo khẩu trang y tế khi tham gia các hoạt động nơi công cộng, đặc biệt là khu vực lễ hội, chỗ đông người. Công tác tổ chức lễ hội phải chuẩn bị chu đáo, cần xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể, chi tiết, phân công rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và người chịu trách nhiệm. Đối với các lễ hội nhỏ, quy mô thôn, xã cần chú ý chỉ đạo, giám sát tổ chức hoạt động, vì loại hình lễ hội này có số lượng lớn, diễn ra hầu khắp các địa phương, dễ xảy ra những vấn đề như cờ bạc, mất anh ninh trật tự... Đối với các quận, huyện, thị xã có các lễ hội lớn, yêu cầu xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết tại đơn vị, trong đó, nêu rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu. Tập trung chỉ đạo đảm bảo tốt: An ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, đặc biệt là vấn đề bán hàng đúng nơi quy định, không bán hàng rong, chú ý bố trí các điểm thu gom rác thải, các điểm vệ sinh công cộng; phân luồng giao thông, bến bãi đỗ xe, quản lý các điểm trông giữ xe đảm bảo đúng quy định; quản lý tốt các hoạt động dịch vụ vui chơi tại lễ hội; ngăn chặn các hiện tượng mê tín dị đoan. Chỉ đạo các địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa có phương án phòng, chống dịch bệnh cho người dân khi tham gia lễ hội. Thường xuyên khử khuẩn, bố trí nước dung dịch rửa tay trước, sau khi ra vào khu di tích - văn hóa. Chủ động, thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý. Trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, căn cứ tình hình thực tế, có thể chủ động chỉ đạo tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định…