Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tiên phong phát triển sản phẩm OCOP

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 tại Hà Nội đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo luồng sinh khí mới cho phát triển kinh tế. Những kết quả đạt được của Hà Nội đã và đang cho thấy vị thế lá cờ đầu cả nước.

Vượt mục tiêu kế hoạch

Cụ thể hóa Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai Chương trình OCOP, với mục tiêu đến cuối năm 2020, sẽ đánh giá, phân hạng được 800 - 1.000 sản phẩm, trong đó có ít nhất 500 sản phẩm được cấp sao. Gần 56 tỷ đồng ngân sách TP đã được bố trí để thực hiện các nội dung của kế hoạch.

Ngoài kinh phí TP hỗ trợ, các quận, huyện, thị xã cũng đã chủ động, tích cực vào cuộc. 30/30 quận, huyện, thị xã đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2020. Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP hoàn thiện sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng. Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của TP, sự vào cuộc đồng bộ của các sở ngành, quận, huyện, thị xã, và đặc biệt là sự ủng hộ của nhiều tổ chức, DN, các tầng lớp Nhân dân, đến nay Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 630 sản phẩm OCOP của 50 DN, 57 hợp tác xã và 52 hộ sản xuất - kinh doanh. Trong đó, có 14 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao, 421 sản phẩm đạt 4 sao và 195 sản phẩm được phân hạng 3 sao.
 Khách hàng chọn mua sản phẩm OCOP tại hội chợ diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng 
Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Tổ công tác giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hiện đã hoàn tất việc đánh giá đối với hơn 370 sản phẩm tiềm năng, đang chờ UBND TP Hà Nội thẩm định, cấp sao. Theo đó, Hà Nội đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu về số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp sao theo kế hoạch.

Mở rộng đầu ra cho sản phẩm

Bên cạnh tư vấn, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng thì trong chu trình phát triển Chương trình OCOP, Hà Nội đặc biệt chú trọng nội dung “sản phẩm sẽ đi về đâu”. Nhận thức được vấn đề này, trong năm 2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, tuy nhiên đến nay, cả 4 sự kiện đều đã được tổ chức thành công.
Mỗi sự kiện với sự tham gia của hàng trăm gian hàng cùng hàng ngàn nông sản, hàng hóa chất lượng từ khắp các vùng miền quy tụ tại Thủ đô đã mang lại hiệu quả tích cực nhiều mặt. Đặc biệt, các sự kiện kết nối giao thương tổ chức bên lề 4 sự kiện nêu trên đã tạo kênh liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP dành cho chủ thể và các tổ chức, DN, kênh phân phối. Thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho thấy, đã có hơn 500 biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP được ký kết giữa các chủ thể, hộ sản xuất - kinh doanh với đại diện tổ chức, DN, nhà phân phối.
 Sản phẩm OCOP được bày bán tại hội chợ.  Ảnh: Công Hùng 
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu đánh giá, qua 4 sự kiện kết nối giao thương sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các vùng miền của Hà Nội, đã có hơn 65% các biên bản ghi nhớ hợp tác được cụ thể hóa bằng những hợp đồng liên kết tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Điều này mang lại lợi ích lớn cho các nhà phân phối, nhờ việc tiếp cận được với nguồn hàng bảo đảm chất lượng mà không phải mất quá nhiều thời gian tìm hiểu, đánh giá.

Việc tổ chức thành công các sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP trong năm 2020 đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho các bên tham gia, bao gồm các tổ chức, DN, nhà phân phối; cũng như các chủ thể, hộ sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng cả nước. Đây là động lực lớn thúc đẩy các thành phần kinh tế tích cực tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.

Không chạy theo phong trào

Kết quả nổi bật sau hai năm triển khai Chương trình OCOP đã phần nào khẳng định: Hà Nội là lá cờ đầu, tiên phong của cả nước trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Dù vậy, thách thức đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025 là rất lớn, nhất là đối với vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP. Sớm nhận thức được điều này, UBND TP Hà Nội đặc biệt coi trọng công tác giám sát thực hiện. Cùng với quán triệt nghiêm túc công tác đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP, TP đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đi giám sát việc thực hiện tại các địa phương, các chủ thể, hộ sản xuất - kinh doanh. Bất cứ chủ thể nào có vi phạm dù là nhỏ nhất trong quá trình thực hiện sẽ ngay lập tức bị rút giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thực tế quá trình triển khai thời gian qua cho thấy, các địa phương rất tích cực trong việc nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm. Các chủ thể cũng đã ý thức được ý nghĩa của việc sản phẩm được cấp sao OCOP. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm các chỉ tiêu về số lượng và chất lượng sản phẩm. Đối với mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, ông Chu Phú Mỹ cho biết, TP Hà Nội phấn đấu mỗi năm sẽ phát triển được thêm khoảng 400 sản phẩm OCOP. Trong đó ưu tiên nâng cấp các đặc sản vùng miền, làng nghề truyền thống. Tiếp tục cải tiến, hoàn thiện để nâng sao cho các sản phẩm. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP đến gần với thị trường tiêu thụ.

"Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng 4,2%. Kinh tế nông nghiệp tiếp tục trở thành trụ đỡ, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt được kết quả rất tích cực, mang lại lợi ích nhiều mặt, nhất là góp phần giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động ở nông thôn. Trong năm 2021, bên cạnh tiếp tục phát triển về số lượng, các sở ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Tăng cường giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương để đưa những sản phẩm OCOP có chất lượng tốt nhất của các tỉnh, TP về đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân Thủ đô. Đồng thời, mang đặc sản của Hà Nội đến được với các thị trường trong nước và quốc tế." - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến