Hà Nội tìm “chìa khóa” thu hút du khách quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để du khách quốc tế chọn Hà Nội làm điểm đến, ngành du lịch Thủ đô cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh.

Còn nhiều khó khăn

Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, tính đến hết tháng 5/2022, TP đón 6,53 triệu lượt khách, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 126.000 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Dù lượng khách quốc tế đến Hà Nội đã tăng trưởng nhưng theo các chuyên gia du lịch, nếu so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát đã đón 2 triệu lượt khách), số lượng du khách quốc tế đến Thủ đô trong 5 tháng đầu năm 2022 còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.

Du khách quốc tế tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2022
Du khách quốc tế tại Lễ hội du lịch Hà Nội 2022

Lý giải nguyên nhân khiến việc đón khách quốc tế đến Hà Nội gặp nhiều khó khăn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh nêu rõ, dịch Covid-19 khiến một lượng lớn lao động ngành du lịch dịch chuyển sang các ngành, lĩnh vực khác tạo ra sự thiếu hụt nhân lực.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của một số khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng… sau thời gian không vận hành, bảo dưỡng do tác động của dịch Covid-19 đã xuống cấp, không đảm bảo chất lượng phục vụ khách. Ngoài ra, du lịch Hà Nội còn thiếu những khu, điểm, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội Trương Quốc Hùng chia sẻ, các đơn vị lữ hành, người lao động gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chính sách, đặc biệt là gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ.

“Doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi 2% theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Nguyên nhân là bởi các ngân hàng khi giải quyết cho vay vốn đã yêu cầu doanh nghiệp kê khai doanh thu. Trong khi ngành du lịch đã “ngủ đông” 2 năm do dịch Covid-19, nên không có doanh thu để kê khai vay vốn theo yêu cầu của ngân hàng” - ông Trương Quốc Hùng dẫn chứng.

Tương tự, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Vân thông tin, thời gian qua, việc xăng dầu liên tục tăng giá vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít kéo theo giá các loại hình dịch vụ như vận chuyển, khách sạn, nhà hàng… tăng theo, đã gây khó cho doanh nghiệp xây dựng tour giá rẻ, chất lượng cao.

Đẩy mạnh quảng bá thu hút khách quốc tế

Để thu hút du khách quốc tế đến Thủ đô, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, thời gian tới ngành du lịch Hà Nội cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến tới các đối tác nước ngoài.

Đoàn vận động viên Thái Lan tham dự SEA Games 31 thăm quan Văn Miếu
Đoàn vận động viên Thái Lan tham dự SEA Games 31 thăm quan Văn Miếu

Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội Phạm Văn Bảy và nhiều doanh nghiệp du lịch phản ánh, từ 15/3/2022, Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế, nhưng các đối tác nước ngoài chưa nắm được những thông tin chính sách kích cầu, thu hút khách của Việt Nam. Đây là nguyên nhân khiến đối tác nước ngoài chưa chú trọng tổ chức tour đưa du khách đến Việt Nam tham quan, nghỉ dưỡng.

“Để khắc phục khó khăn này đòi hỏi Tổng cục Du lịch cần tăng cường hoạt động xúc tiến ra thế giới, theo hướng tổ chức các buổi roadshow giới thiệu về du lịch Việt Nam ở nước ngoài, thị trường trọng điểm, hoặc các thị trường đã mở cửa rộng rãi. Doanh nghiệp cần hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao về hoạt động này rõ ràng và mạnh mẽ hơn, từ đó giúp ngành du lịch xúc tiến, quảng bá thu hút khác quốc tế” - ông Phạm Văn Bảy kiến nghị.

 

Trong quá trình quảng bá điểm đến Việt Nam, trước tiên ngành du lịch cần thay thế những hình ảnh đã có từ trước dịch Covid-19 bởi du khách cần những hình ảnh, video cập nhật về điểm đến Việt Nam sau Covid-19. Những hình ảnh quảng bá cần thể hiện sự tươi mới, hoang sơ, trong lành, qua đó minh chứng du lịch Việt Nam vẫn rất tốt và đã hoạt động bình thường. Khi ngành du lịch đáp ứng đúng kỳ vọng thì du khách quốc tế sẽ tìm đến Việt Nam.

Chủ tịch Lux Group Phạm Hà

Để hoạt động quảng bá thu hút khách quốc tế đạt hiệu qua cao hơn, doanh nghiệp du lịch có chung kiến nghị, từ nay đến cuối năm Tổng cục Du lịch nên đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam qua các kênh truyền thông quốc tế; Triển khai các đoàn famtrip và presstrip khảo sát điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ du lịch quốc tế có uy tín; Hỗ trợ du lịch Hà Nội trong công tác chuyển đổi số; Giới thiệu video, clip quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên các kênh truyền thông, sự kiện du lịch trong nước và quốc tế...

Đồng tình với những kiến nghị này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cũng đề xuất Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế chỉ nên công bố số lượng bệnh nhân phải nhập viện điều trị, qua đó chứng minh Việt Nam đã khống chế được dịch Covid-19, du khách Mỹ nên đến Việt Nam du lịch. “Hiện Mỹ khuyến cáo người dân không nên đến Việt Nam du lịch, bởi Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế đang công bố số lượng người sốt do Covid-19 đứng ở mức cao, trong khi số bệnh nhân phải nhập viện điều trị rất thấp” - bà Đặng Hương Giang nêu rõ.

Trước những đề xuất, kiến nghị thu hút khách quốc tế của du lịch Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho rằng, thời gian tới Tổng cục Du lịch sẽ tăng cường hỗ trợ cho Hà Nội trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá. Đồng thời đề nghị, du lịch Hà Nội cần chú trọng đầu tư hơn nữa vào nguồn nhân lực, tăng cường xây dựng các sản phẩm độc đáo dựa trên khai thác giá trị văn hóa, làng nghề, sinh thái, ẩm thực…

Thực tế cho thấy, để hỗ trợ ngành du lịch thu hút du khách quốc tế, UBND TP Hà Nội đã ban hành phương án 02/PA-UB về mở cửa trở lại hoạt động du lịch, đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới. Trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến và sản phẩm du lịch mới của Thủ đô với thông điệp “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn” trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế, mạng xã hội Youtube, Facebook… Bên cạnh đó phối hợp với các đại sứ quán tổ chức chương trình xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Việt Nam đến những thị trường trọng điểm EU, Asean, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Canada…

Ý kiến của nhà quản lý, kiến nghị của doanh nghiệp cho thấy muốn thu hút khách quốc tế đến Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, hoạt động quảng bá được xem là “chìa khóa” góp phần gia tăng sức hút của điểm đến đối với du khách.