Hơn 15 năm trước, bà Dương Thị Hưng, xã Lê Thanh bắt tay vào trồng bưởi Diễn. Để chuyên môn hoá sản xuất, bà Hưng thuê khoán đất nông nghiệp của hàng chục hộ ven sông Đáy để canh tác. Đến nay, tổng diện tích trồng bưởi Diễn của gia đình bà khoảng 1ha. Với giá bán bình quân 10.000 đồng/quả, doanh thu từ bưởi Diễn của hộ bà Hưng đạt không dưới 400 triệu đồng/năm.
Đi dọc con đường ven sông Đáy những ngày này, lọt vào tầm mắt là những vườn bưởi, vườn táo đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch. Theo thống kê, diện tích cây ăn quả, chủ yếu là 2 loại trái cây trên của toàn xã Lê Thanh ước khoảng 45ha. Cây ăn quả trở thành nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Bà Dương Thị Hưng bên diện tích bưởi Diễn sắp vào vụ thu hoạch tại xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Trọng Tùng. |
Để tạo điều kiện phát triển vùng sản xuất, xã Lê Thanh đã huy động nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư xây dựng, nâng cấp 34 tuyến đường giao thông trục chính nội đồng với tổng chiều dài 27,3km; kiên cố hoá 11,7km kênh mương. Đặc biệt là phối hợp với Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Mỹ Đức bảo đảm cấp nước tưới đầy đủ cho diện tích nông nghiệp hàng năm.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mang lại thu nhập khá cho một bộ phận nông dân, đóng góp quan trọng vào kết quả thu nhập bình quân đầu người dân trên địa bàn, ước đạt 55 triệu đồng/năm tính đến thời điểm này. Dù vậy, mô hình canh tác cây ăn quả vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Thực tế hiện nay, hộ bà Hưng cũng như các gia đình có vườn cây ăn trái đều phải tự tìm đầu ra cho nông sản. Chưa có bất cứ một tổ chức, doanh nghiệp nào tham gia xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ bưởi, táo cùng bà con nơi đây.
Mặc dù người nông dân vẫn được tập huấn kỹ thuật, tuy nhiên khả năng chống chịu với dịch bệnh trên cây trồng còn yếu. Nhiều vườn bưởi tại xã Lê Thanh hiện đang bị sâu hại khá nhiều. Đặc biệt, xã chưa phát triển được những diện tích canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP - yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Nguyễn Tất Chung cho biết, cùng với lúa và rau màu, cây ăn quả được địa phương xác định là sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Bài toàn đặt ra hiện nay là cần kêu gọi được sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết giá trị.
“Đây là bài toán không dễ, cũng là mong mỏi lớn của chính quyền và Nhân dân địa phương đối với các sở ngành của Hà Nội nhằm nâng cao giá trị, ổn định đầu ra cho những diện tích cây ăn quả của bà con...” - ông Nguyễn Tất Chung chia sẻ.