Ngày 23/3, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày công tác xã hội Việt Nam năm 2023, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.
Trình bày diễn văn kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam với chủ đề Công tác xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Công tác xã hội trên địa bàn Hà Nội đang ngày càng được quan tâm, đã trở thành hoạt động không thể thiếu, đặc biệt là ngành LĐTB&XH. Hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội ngày càng được mở rộng, đó là những người làm trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chăm sóc, trợ giúp người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giảm nghèo và trợ giúp người cao tuổi.
Tính chuyên nghiệp của công tác xã hội được thể hiện rất rõ nét trong huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng. Một số dịch vụ công tác xã hội được đẩy mạnh xã hội hóa; rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội và cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã trao quà, học bổng, xe đạp, đồ dùng học tập, thiết bị vui chơi,… cho trên 77.000 lượt trẻ em; tư vấn, tham vấn, trợ giúp cho trên 3.600 trẻ em, phụ nữ và các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trang bị kỹ năng sống cho gần 1.500 lượt trẻ em.
Mặc dù kết quả đạt được rất đáng khích lệ nhưng ngành công tác xã hội vẫn còn một số tồn tại. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ còn thiếu và yếu về chất lượng và chưa phát huy vai trò tổ chức ngoài công lập. Đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội còn thiếu và chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản. Một số hoạt động trợ giúp xã hội chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Để ngành công tác xã hội phát triển nhanh và mạnh, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần lồng ghép nội dung của chương trình phát triển công tác xã hội trong các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của đơn vị mình. Đồng thời, tích cực tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí công tác xã hội.
Bên cạnh đó là tăng cường tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội; Tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; xây dựng mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội.
Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực của toàn xã hội cho công tác giảm nghèo, chăm lo đời sống cho người có công, các đối tượng yếu thế và chăm sóc, bảo vệ trẻ em; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng, đa dạng, thống nhất, huy động sự chung tay của toàn xã hội, đảm bảo thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
“Ngày Công tác xã hội là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội. Đồng thời, góp phần phát huy truyền thống tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam” – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân nhấn mạnh.
Để ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội, Ban tổ chức đã tặng bảng vàng tôn vinh 18 tập thể và 64 cá nhân đang thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội; trao học bổng cho 50 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích tốt trong học tập của các quận huyện Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Thạch Thất, Sóc Sơn, mỗi suất 2.000.000 đồng và 1 phần quà trị giá 600.000 đồng. Tổng kinh phí trao trong chương trình là 130 triệu đồng.