Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn Thủ đô.

Phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP và các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 01/CĐ-UBQGVTE ngày 4/4/2022 của Ủy ban quốc gia về trẻ em, Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 10/6/2016 của UBND TP Hà Nội, Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 17/6/2020, số 226/KH-UBND ngày 8/10/2021 và các văn bản chỉ đạo về việc thực hiên các biện pháp phòng, chống đuối nước và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn TP.

UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Ảnh: Ngọc Tú.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Ảnh: Ngọc Tú.

UBND TP Hà Nội giao Sở LĐTB&XH Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích nói chung. Đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em, tai nạn giao thông, tai nạn do bị rơi, ngã từ các khu chung cư, nhà cao tầng, phòng ngừa trẻ em tự tử nói riêng cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em.

Cùng với việc tiếp tục hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc xây dựng Ngôi nhà an toàn, Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức những hoạt động giám sát về phòng, chống đuối nước trẻ em.

Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai, hướng dẫn phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt, trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học. Các nhà trường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để các em biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước; giáo dục kỹ năng sống, nắm bắt tâm lý, sức khỏe tâm thần của trẻ…

UBND TP giao Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện sơ cứu, cấp cứu, điều trị, vận chuyển cấp cứu cho trẻ em bị đuối nước…

Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình trong việc trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ và kỹ năng phòng, chống đuối nước. Các gia đình chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao triển khai xây dựng, bảo dưỡng hệ thống bể bơi tại các thiết chế thể dục, thể thao và khuyến khích các cơ sở dịch vụ thể thao, du lịch có bể bơi hỗ trợ các lớp dạy bơi an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.

Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo, hướng dẫn quản lý và sử dụng có hiệu quả các điểm vui chơi tại cộng đồng, tạo môi trường, khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi dân gian, các trò chơi tập thể; tăng cường sử dụng thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở thể dục, thể thao phục vụ trẻ em…

Phổ cập bơi an toàn cho trẻ em

UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, tổ chức, phối hợp liên ngành đặc biệt là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các tổ chức, các thành viên Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường; đặc biệt là dịp nghỉ hè, thời gian bão, lũ, thiên tai bảo đảm an toàn cho trẻ em. Các gia đình cam kết trách nhiệm xây dựng Ngôi nhà an toàn, bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội phổ cập bơi an toàn cho trẻ em. Ảnh: Ngọc Tú.
Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội phổ cập bơi an toàn cho trẻ em. Ảnh: Ngọc Tú.

UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đối nước trẻ em; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục như làm rào chắn, biển cảnh báo, cảnh giới, nhắc nhở…bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em.

Các quận, huyện, thị xã chủ động bố trí ngân sách thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung, phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng; vận động xã hội xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục, thể thao, phát triển hệ thống bể bơi thông minh và các nguồn nước mở an toàn để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn đã xảy ra đuối nước trẻ em.

Và, các quận, huyện, hỗ trợ kinh phí đối với việc học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho học sinh, trẻ em.

Các địa phương tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong đó có phòng, chống đuối nước trẻ em tại cơ sở; phòng chống tai nạn, thương tích an toàn giao thông đường thủy, đường bộ các các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư. Các địa phương cũng làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống đuối nước tại địa phương.

Valid: True