Kết quả khả quan
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thực hiện Quyết định 47/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, TP của 9 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, từ ngày 10/7, Hà Nội chính thức triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị. |
Tính đến ngày 20/9, có 29/30 quận, huyện và 230/584 xã, phường, thị trấn đã tiến hành thanh tra ATTP (huyện Hoài Đức chưa đi thanh tra). Tổng số cơ sở được thanh tra là 310 cơ sở, xử phạt 96 cơ sở, số tiền phạt là 313.500.000 đồng.
18/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai thanh tra chuyên ngành tại tuyến xã, phường, thị trấn. Tổng số xã, phường, thị trấn đã triển khai thanh tra là 131/584. Tổng số cơ sở được thanh tra là 859 cơ sở, xử phạt 206 cơ sở, số tiền phạt 408.350.000 đồng. Đã có 2 quận may xong trang phục thanh tra chuyên ngành (Ba Đình, Thanh Xuân).
Tuy nhiên, công tác triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP còn nhiều khó khăn về công tác đào tạo, thời gian tập huấn ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế. Do quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp nên các đơn vị gặp khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là tuyến xã còn dè dặt trong giai đoạn đầu triển khai thanh tra.
Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Tâm lý “làng xóm, họ hàng” làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính. Chưa triển khai trang phục thanh tra kịp trong thời gian đầu.
Xem xét lại chỉ tiêu thanh tra
Là đơn vị có kinh nghiệm thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP từ năm 2016, quận Nam Từ Liêm đã triển khai rất tốt công tác thanh tra chuyên ngành ATTP. Sau 3 tháng, quận đã thanh tra 159 cơ sở, xử phạt 61 cơ sở với số tiền xử phạt là hơn 100 triệu đồng. Quận đã tổ chức lấy 15 mẫu thực phẩm xét nghiệm chuyên sâu.
Trong khi đó, quận Hoàn Kiếm đã thanh tra 24 cơ sở. Trong đó, quận thanh tra 6 cơ sở, phường thanh tra 15 cơ sở. với số tiền xử phạt là 14 triệu đồng. Quận Long Biên đã tiến hành thanh tra 288 cơ sở, xử phạt 75 cơ sở với số tiền là hơn 151 triệu.
Tuy nhiên, cho đến nay, huyện Hoài Đức vẫn chưa triển khai được công tác thanh tra ATTP do có nhiều khó khăn về nhân lực. Đại diện lãnh đạo huyện Hoài Đức cũng kiến nghị TP nên xem xét lại chỉ tiêu thanh tra do hiện nay, cụ thể 1 năm thanh tra 50% số cơ sở thuộc cấp quản lý là quá nhiều đối với huyện.
Đồng quan điểm, đại diện các đơn vị cũng cho rằng, tuy các cơ sở được thanh tra có ý thức rõ ràng về trách nhiệm thực hiện các quy định về ATTP, chủ động hoàn thiện các điều kiện về ATTP nhưng công tác thanh tra còn gặp nhiều khó khăn do việc thiết lập bộ hồ sơ thanh tra phức tạp khiến việc thanh tra lúng túng. Khi triển khai thanh tra, các cơ sở thường chống đối bằng cách đóng cửa không cho thanh tra…
“Đặc biệt, tại tuyến cơ sở, bên cạnh công tác thanh tra ATTP còn triển khai nhiều hoạt động khác như quản lý hành nghề dược tư nhân, phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng,... Riêng chỉ tiêu giám sát ATTP cũng phải đạt 4 lần/năm/1 cơ sở. Để thiết lập 1 đoàn thanh tra đi đủ thành phần gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chỉ tiêu 1 năm thanh tra 50% số cơ sở thuộc cấp quản lý là quá nhiều đối với 1 quận có mật độ cơ sở ATTP đông như quận Hoàn Kiếm”- Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn nêu rõ.
Qua đó, các quận huyện kiến nghị TP và Sở Y tế nên xem xét lại chỉ tiêu thanh tra chuyên ngành ATTP giao cho các quận, huyện có số cơ sở quản lý lớn. Đồng thời, TP và Sở Y tế có hướng dẫn về việc thu phí phạt tại chỗ đối với các cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố.
Thanh tra phải công tâm, khách quan
Qua kiểm tra, giám sát 10 quận, huyện, thị xã, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan khẳng định, các quận, huyện, thị xã đã nghiêm túc triển khai thí điểm thanh tra ATTP. Các đơn vị cũng đã xây dựng kế hoạch rõ ràng, cụ thể, làm tốt công tác tuyên truyền đến các hộ kinh doanh.
Trong 10 đơn vị kiểm tra, quận Nam Từ liêm đã thực hiện rất tốt, đã tổ chức được 115 cuộc thanh tra (36 cuộc thanh tra cấp huyện, 10/10 tuyến xã. Trong khi đó, quận Bắc Từ Liêm mới chỉ thanh tra 86 cuộc (14 cuộc thanh tra cấp huyện, 13/13 tuyến xã, tuyến xã). Huyện Ba Vì chỉ kiểm tra được tuyến huyện chứ chưa kiểm tra được tuyến xã.
“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các đơn vị còn nhiều khó khăn, nhất là về nhân lực, thiếu kinh phí do nguồn ngân sách đã đầu tư, phục vụ cho dịch tả lợn châu Phi. Thiếu trang thiết bị để thanh tra. Các đơn vị còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra. Sử dụng các mẫu văn bản, đặc biệt là tuân thủ quy trình thanh tra còn tâm lý sợ sai, dè dặt trong triển khai” - Phó Giám đốc Sở Công Thương chỉ rõ.
Để thực hiện tốt công tác thanh tra chuyên ngành ATTP, lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng, khi xây dựng kế hoạch thanh tra của các cấp phải xác định rõ đối tượng và phân kỳ thực hiện cụ thể nhằm tránh chồng chéo.
Cùng với đó khi triển khai, các đoàn thanh tra cần lưu ý phạm vi, nội dung thanh tra vừa tầm, có thể kiểm soát được về số lượng thành viên đoàn thanh tra, tránh ôm đồm nhiều việc. Các đơn vị cũng cần tiếp tục rà soát nguồn nhân lực đồng thời các quận huyện cần quan tâm, bố trí, tạo điều kiện về kinh phí để công tác thanh tra phát huy hiệu quả cao.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đánh giá, tuy Hà Nội có nhiều thuận lợi về kinh nghiệm trong triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP song vẫn còn gặp nhiều khó khăn do triển khai trên toàn TP, địa bàn rộng, phần lớn các quận, huyện và xã, phường là lần đầu thí điểm thanh tra nên còn thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, Tổ công tác liên ngành xã cần bám sát các nội dung theo kế hoạch.
Để thực hiện có hiệu quả công tác ATTP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị Tổ công tác liên ngành giám sát hướng dẫn, giám sát công tác tổ chức, công tác triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP, công tác xử lý vi phạm. Tổ công tác phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP của các đơn vị được phân công. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông để đưa tin kịp thời thường xuyên về ý nghĩa và các hoạt động của thí điểm thanh tra chuyên ngành.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành ATTP tại tuyến quận, huyện, đôn đốc các xã, phường, thị trấn tiến hành thanh tra chuyên ngành ATTP, đảm bảo triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại 100% các xã, phường, thị trấn. Các cuộc thanh tra phải thực hiện đúng quy trình thanh tra, công tâm, khách quan giữa các cơ sở, xử phạt nghiêm với các cơ sở có vi phạm, công khai các cơ sở vi phạm.
“Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã phải luôn theo dõi, đôn đốc để kịp thời phát hiện và giải quyết khó khăn, vướng mắc của tuyến xã, phường, thị trấn. Rà soát nhu cầu sử dụng cán bộ, tiếp tục cử bổ sung công chức, viên chức tham gia đào tạo, tập huấn thanh tra chuyên ngành ATTP, để đảm bảo số lượng cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành/1 xã, phường” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP yêu cầu.