Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội truyền thông cho công nhân về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Buổi truyền thông pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động đã giúp hơn 200 hội viên, phụ nữ tăng cường hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của phụ nữ trong pháp luật Việt Nam, trọng tâm là bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. 

Ngày 26/5, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội tổ chức buổi truyền thông pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và tặng quà cho nữ công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng công nhân năm 2024; thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”.

Tham dự chương trình có Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh; lãnh đạo huyện Chương Mỹ cùng hơn 200 hội viên phụ nữ, nữ công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.

Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại chương trình
Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Hà Nội có khoảng 4,1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó có nhiều lao động nữ. Số lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao trên 73%. Số lao động nữ có mặt ở khắp các lĩnh vực của nền kinh tế, đóng góp tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Thời gian qua, thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN TP và Liên đoàn lao động TP về tổ chức các hoạt động trong nữ cán bộ, công chức, viên chức và CNLĐ Thủ đô giai đoạn 2022-2026, các cấp Hội LHPN TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống, truyền thông nâng cao nhận thức cho nữ CNLĐ về bình đẳng giới; quyền và nghĩa vụ của phụ nữ trong pháp luật Việt Nam; các quy định về hôn nhân gia đình, phòng ngừa bạo lực gia đình...

Nữ công nhân lao động tham gia buổi truyền thông
Nữ công nhân lao động tham gia buổi truyền thông

Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội đề nghị Hội LHPN huyện Chương Mỹ và các cơ sở Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn, quan tâm chăm lo tới nữ CNLĐ nói chung và chị em có hoàn cảnh khó khăn nói riêng; tham gia tích cực vào hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em để phát hiện đề xuất chính quyền, các ngành chức năng giải quyết kịp thời các vụ việc; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ trong đó có nữ CNLĐ.

Thông tin về công tác chăm lo cho nữ CNLĐ trên địa bàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Chương Mỹ Phạm Minh Thức cho biết, toàn huyện hiện có 1 khu công nghiệp; 5 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng trên 20 nghìn lao động. Trong đó lao động nữ khoảng 12 nghìn người chiếm trên 60% động.

LĐLĐ huyện đang quản lý trực tiếp 226 công đoàn cơ sở với 10.532 đoàn viên công đoàn với 6.945 lao động nữ. Số lao động nữ được ký hợp đồng lao động chiếm 93,4%; có 100% số lao động nữ được ký hợp đồng đều được đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tiền lương bình quân của người lao động đạt 6,5 triệu đồng người/tháng chưa kể tiến làm tăng ca, tiền thưởng.

Tại chương trình, Hội LHPN TP Hà Nội đã tặng quà tới 10 nữ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, và 10 cháu học sinh con của nữ CNLĐ vượt khó học giỏi
Tại chương trình, Hội LHPN TP Hà Nội đã tặng quà tới 10 nữ CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, và 10 cháu học sinh con của nữ CNLĐ vượt khó học giỏi

Hàng năm LĐLĐ huyện đều phối hợp tổ chức thăm, khám sức khỏe và làm các xét nghiệm cho ít nhất 200 nữ công nhân lao động đang làm việc trong các ngành nghề độc hại; tổ chức từ 4-5 lớp tuyên pháp luật, bình đẳng giới cho nữ CNLĐ tại các doanh nghiệp có sử dụng đông lao động nữ. Những kết quả trên đã góp phần ổn định tư tưởng công nhân viên chức lao động, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tại chương trình, hơn 200 hội viên phụ nữ, nữ công nhân trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã được nghe phổ biến một số quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. Qua đó đã tăng cường hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của phụ nữ trong pháp luật Việt Nam - trọng tâm là bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ các quy định của doanh nghiệp, bảo đảm an toàn lao động; đồng thời bảo vệ quyền của mình theo quy định của pháp luật.