Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 7%, giảm 0,04%
Hà Nội là TP đông dân thứ hai của cả nước và cũng có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Mật độ dân số của Hà Nội là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước.
Toàn TP đã đạt mức sinh thay thế. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy có giảm mỗi năm nhưng chưa bền vững. Tỷ lệ tăng dân số hàng năm ở mức cao. Theo số liệu tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, bình quân 2,22%/năm, mỗi năm tăng khoảng 160.000 người - tương đương dân số của 1 huyện, tạo ra áp lực lớn cho Kinh tế - xã hội Thủ đô.
Hiện nay, chất lượng dân số đã từng bước được nâng cao. TP phê duyệt và triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình, kế hoạch, hoạt động mô hình về nâng cao chất lượng dân số ở 30/30 quận, huyện, thị xã. 579/579 xã, phường, thị trấn đã mang lại kết quả rõ rệt.
Báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho thấy, năm 2022, công tác Dân số của Hà Nội đã đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch của TP đề ra.
Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vượt chỉ tiêu giao giảm 0,35% so với năm 2021. Tỷ số giới tính khi sinh là 110,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh năm 2022 đạt 88,92% (vượt chỉ tiêu được giao). Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh năm 2022 đạt 87,8%.
6 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 7 % (giảm 0,04% so cùng kỳ 2022). Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 68,2 % (tăng 4% so cùng kỳ 2022). Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 85% (tăng 1,07% so cùng kỳ 2022). Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88 % (tăng 1,67% so cùng kỳ 2022).
Tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 45% (tăng 17% so cùng kỳ 2022), tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái (6 tháng 2022 là 112,9/100).
Ngoài ra, hiện nay tại Hà Nội nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng tại các địa bàn trên toàn TP như: Mô hình can thiệp truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình tới vùng dân cư đặc thù. Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân và Mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên…
Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ TP đã phối hợp với các đơn vị, đoàn thể tổ chức các buổi truyền thông kiến thức SKSS/KHHGĐ và bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đối tượng là phụ nữ quanh tuổi mãn kinh, nam giới, vị thành niên thanh niên. Truyền thông về bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ..
Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới
Kỷ niệm ngày Dân số Thế giới năm nay, với chủ đề “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”, Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mở rộng toàn diện nội dung truyền thông, giáo dục cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội.
Duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới.
Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Truyền thông, vận động khơi dậy phong trào trong mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực người Hà Nội.
Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông giáo dục phù hợp với các nhóm đối tượng. Tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.
Vận động mọi thanh niên, đặc biệt là những người có nguy cơ cao trước khi kết hôn thực hiện việc tư vấn và khám sức khoẻ trước hôn nhân. Phụ nữ mang thai thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh; để mọi trẻ sinh ra đều được tầm soát, chẩn đoán, điều trị sơ sinh.
Đặc biệt, Hà Nội vẫn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số. Tổ chức học tập, quán triệt và phổ biến nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW đến các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức Đảng các cấp, MTTQ Việt Nam và tầng lớp Nhân dân.
Tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố.
Đặc biệt là chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng dân số; đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên. Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.