Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội ưu tiên phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 11/4, UBND TP Hà Nội phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội, Hội Cầu đường Hà Nội, Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo. 

Dự hội thảo có các báo cáo viên là lãnh đạo các đơn vị quản lý giao thông, các chuyên gia và những nhà khoa học về chuyên ngành giao thông vận tải và đường sắt đô thị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo

Ưu tiên phát triển đường sắt đô thị

 

“Giao thông đô thị Hà Nội vẫn tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề không tránh khỏi, đó là gia tăng phương tiện cá nhân, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường để hướng tới một hệ thống giao thông bền vững - đồng bộ - hiện đại.

Để vượt qua những thách thức, giải quyết các vấn đề phát sinh và phát triển hệ thống giao thông đô thị, một trong những giải pháp khả thi, cơ bản và quan trọng hàng đầu là phát triển và tiếp tục trợ giá cho hệ thống vận tải hành khách công cộng tiên tiến và thân thiện môi trường.

Ngoài ra, tăng cường năng lực của bộ máy quản lý và triển khai đồng bộ các giải pháp là nhiệm vụ hết sức quan trọng đảm bảo cho hệ thống phát triển đúng hướng, hoạt động hiệu quả góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại” - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội Thái Hồ Phương

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, mục tiêu của hội thảo nhằm tìm giải pháp giảm xe máy và các phương tiện giao thông cá nhân khác trong giao thông nội đô. Để đạt được mục tiêu này điều kiện tiên quyết là các phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân. Việc này rất nhiều thành phố trên thế giới đã làm và có những giải pháp khoa học, lộ trình hợp lý, đã loại bỏ xe máy và giảm ôtô cá nhân ở trong nội đô, giảm được ùn tắc giao thông… 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bao trùm tất cả các lĩnh vực của Thủ đô, tập trung giải quyết những câu chuyện lâu dài chiến lược, đồng thời cũng đưa ra những giải pháp rất cụ thể để giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách, trước mắt của Hà Nội trong 5 năm, 10 năm tới. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược, mang tính thời đại của Đảng ta đối với sự phát triển của Thủ đô, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đặt yêu cầu, nhiệm vụ cho Thủ đô cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn.

Tiếp đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt, còn TP Hồ Chí Minh hoàn thành hơn 200km.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, với mục tiêu, khát vọng như vậy đặt ra bài toán cho Hà Nội không đơn giản, nếu làm được cần tạo ra đột phá, khác thường, cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần tạo ra đột phá, vượt trội, mới thực hiện được các mục tiêu, để đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo ở các cấp khác nhau, ở các ngành khác nhau về các lĩnh vực của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đầu tiên sẽ ưu tiên cho đường sắt đô thị vì đường sắt đô thị có nhiều ưu điểm: giảm ùn tắc giao thông, vận tải khối lượng lớn, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm không khí và tốc độ di chuyển nhanh giúp tiết kiệm thời gian… để đưa vào Luật. 

“Đối với Việt Nam là vấn đề mới, nên rất cần sự tham gia vào cuộc của các nhà khoa học, các chuyên gia, lan tỏa ý tưởng truyền thông chính sách để Nhân dân, các cấp lãnh đạo, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp hiểu và chia sẻ. Do đó, tại hội thảo này, TP Hà Nội mong muốn tập trung thảo luận về đường sắt đô thị, về những giải pháp để đạt mục tiêu 2 năm tới sẽ đạt mục tiêu hoàn thành 100km…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

TS Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội nhấn mạnh, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng đã mang đến những trải nghiệm mới cho người dân Thủ đô
TS Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội nhấn mạnh, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng đã mang đến những trải nghiệm mới cho người dân Thủ đô

Trải nghiệm mới cho người dân Thủ đô

Nhấn mạnh TOD có thể củng cố nền kinh tế địa phương, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, các đô thị lớn ở nước ta như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang bắt đầu xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Thực tế cho thấy, với thời gian và chi phí đi lại giảm, mọi người có thể dành thời gian và tiền bạc tại các nhà hàng, cửa hàng và bảo tàng trong khu vực địa phương. Đây là cơ hội tốt để các thành phố cải tạo cảnh quan đô thị, tái cấu trúc đô thị dọc theo hành lang của các tuyến giao thông công cộng khối lượng lớn.

Đồng quan điểm, TS Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội nhấn mạnh, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng đã mang đến những trải nghiệm mới cho người dân Thủ đô, đặt dấu mốc cho việc bắt đầu loại hình vận tải công cộng tiên tiến, hiện đại. Lượng khách đi tàu đạt theo kịch bản tốt nhất. Cụ thể, ngày bình thường tuyến vận chuyển  35.000 - 36.000 hành khách, ngày cuối tuần 24.000 - 26.000 người. Giờ cao điểm đạt 6.000 – 8.000 hành khách/giờ. Tỷ lệ sử dụng vé tháng mỗi ngày khoảng 70%. 

Nhiều người chia sẻ, từ khi đi làm bằng đường sắt đô thị đã hình thành thói quen đi bộ, tốt cho sức khỏe. Song để đường sắt đô thị giữ vị trí ngày càng quan trọng,  các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, cũng như sự ưu đãi để tạo động lực và thúc đẩy cho việc triển khai TOD bằng các quy định của pháp lý cần rõ nét, đầy đủ hơn nữa. Cùng đó, duy trì giá vé ưu đãi như hiện nay, chỉ 100.000 - 140.000 đồng/người, miễn phí cho người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em. 

“Ngoài ra, cần có sự đồng bộ về hạ tầng, ngoài mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị còn cần có sự hỗ trợ của xe buýt, taxi và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, bảo đảm đi lại thuận tiện cho người dân” - TS Vũ Hồng Trường kiến nghị.

Hà Nội ưu tiên phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng
Hà Nội ưu tiên phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thái ((Ban Quản lý dự án Đường sắt), thực tế khi thực hiện dự án tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) vừa qua, vì nhiều lý do khác nhau, đã không thống nhất được phương án kết nối hành khách tối ưu giữa 2 dự án (tại khu vực Ga Cát Linh). Do đó, các điểm kết nối giữa các tuyến cần được nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết từ trước, trong đó phân chia phần công việc phải thực hiện của từng dự án để đưa khối lượng tương ứng vào dự án đó ngay từ đầu, tránh tranh chấp và phát sinh, điều chỉnh về sau.

“TP Hà Nội cần sớm nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về một loại hình thẻ vé áp dụng chung cho tất cả các tuyến đường sắt đô thị, và về lâu dài áp dụng liên thông cho các loại hình giao thông công cộng trong toàn thành phố. Do một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm tiến độ của các dự án vừa qua là khâu GPMB; do vậy cần tách phần GPMB của dự án đường sắt đô thị thành một dự án thành phần riêng và triển khai thực hiện độc lập trước dự án chính một thời gian thích hợp, để khi dự án chính triển khai thi công thì đã cơ bản có toàn bộ mặt bằng sạch” - ông Nguyễn Văn Thái kiến nghị.

Đồng quan điểm, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cũng đề xuất, phải xây dựng cơ chế, phương án đền bù GPMB, thu hồi đất đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Ngoài ra, quan tâm việc huy động nguồn vốn đầu tư, nguồn lực từ đất trong các khu vực TOD được quy hoạch; về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư…

 

Theo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại TP Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Việc lập, quyết định, quản lý quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và khu vực TOD được thực hiện theo quy định sau đây và quy định khác của pháp luật có liên quan.  

Trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, UBND TP Hà Nội được điều chỉnh chức năng sử dụng cho các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, phát triển đô thị trong khu vực TOD. Trong khu vực TOD, UBND TP Hà Nội được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô…