Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hà Nội và cuộc chiến giảm thiểu rác thải nhựa

Kinhtedothi- Rác thải nhựa đang trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường và sức khỏe người dân, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Thủ đô đang đối mặt với bài toán cân bằng giữa phát triển và kiểm soát ô nhiễm nhựa, đòi hỏi những giải pháp bền vững từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Luật Thủ đô 2024 được nhận định là căn cứ pháp lý hiệu quả để giải quyết vấn đề này.

Làng Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội nổi tiếng với nghề tái chế rác thải nhựa.

Gánh nặng cho môi trường

Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có lượng rác thải nhựa cao trên thế giới. Theo báo cáo của Bộ Nông Nghiệp và Môi trường, mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, tương đương 5.000 tấn mỗi ngày. Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi ni lông mỗi tháng, góp phần tạo ra hàng triệu tấn nhựa khó phân hủy. Trong đó, chỉ khoảng 10% rác thải nhựa được tái chế, còn lại 90% bị chôn lấp, đốt hoặc thải trực tiếp ra môi trường, gây ra nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai đô thị lớn nhất cả nước, gánh nặng ô nhiễm nhựa càng rõ rệt. Mỗi ngày, hai TP này thải ra khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi ni lông. Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho thấy, lượng rác thải nhựa tại Thủ đô chủ yếu đến từ các hoạt động sinh hoạt, thương mại và công nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng nhựa trôi nổi trên sông, hồ hoặc chất đống tại các bãi rác.

Thực tế, với dân số hơn 8 triệu người và tốc độ đô thị hóa nhanh, Thủ đô đang đối mặt với thách thức lớn trong quản lý ô nhiễm nhựa. Sự gia tăng dân số cùng với các khu đô thị, trung tâm thương mại và khu công nghiệp mới đã làm tăng lượng rác thải nhựa phát sinh. Ông Nguyễn Văn Hùng - một người dân tại quận Ba Đình, cho biết: "Tôi thấy rác nhựa ở khắp nơi, từ chợ đến bờ sông. TP ngày càng đông đúc, nhưng việc thu gom rác vẫn chưa theo kịp".

Theo các chuyên gia, rác thải nhựa, với đặc tính khó phân hủy, có thể tồn tại trong môi trường hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Khi bị chôn lấp, chúng ngăn cản quá trình hấp thụ nước và dưỡng chất của đất, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng. Khi bị đốt, chúng thải ra các chất độc hại như dioxin và furan, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hình ảnh những dòng sông, con kênh ngập tràn rác thải nhựa đã trở nên quá quen thuộc, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ tắc nghẽn hệ thống thoát nước.

Trong khi mối nguy hại của rác thải nhựa là rất rõ ràng thì công tác quản lý ô nhiễm nhựa tại Hà Nội nói riêng và nhiều đô thị lớn nói chung hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống thu gom rác thải nhựa chưa được tách biệt với rác sinh hoạt, dẫn đến việc tái chế gặp trở ngại. Ý thức phân loại rác tại nguồn của người dân còn hạn chế, trong khi hạ tầng tái chế chưa đáp ứng được nhu cầu. Bài toán đặt ra cho Hà Nội là làm sao có thể cân bằng giữa phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống và kiểm soát nguồn ô nhiễm nhựa đang ngày càng gia tăng.

Ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề nóng của toàn cầu.

Đâu là giải pháp bền vững?

Các chuyên gia cho rằng, để kiểm soát ô nhiễm nhựa, Hà Nội cần tận dụng các quy định trong Luật Thủ đô 2024, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền trong việc xây dựng các chương trình phân loại rác tại nguồn và áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải. Luật cũng khuyến khích các cơ quan chức năng phối hợp với doanh nghiệp và cộng đồng để thúc đẩy sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc thực thi nghiêm các quy định này sẽ tạo nền tảng cho một hệ thống quản lý rác thải hiệu quả hơn.

Luật sư Bùi Đình Ứng – chuyên gia pháp lý cho biết, vấn đề giảm phát thải nhựa đã được quy định tại Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 song mới chỉ quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức việc thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn. Chỉ đến khi Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, câu chuyện kiểm soát ô nhiễm nhựa mới thật sự rõ ràng.

Điều 28 của Luật Thủ đô 2024 đưa ra nhiều quy định nhằm kiểm soát ô nhiễm nhựa như quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn TP; quy định biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động xử lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng liên quan đến tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất. “Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội kiểm soát ô nhiễm nhựa” – Luật sư Bùi Đính Ứng nhận định.

Ngoài hành lang pháp lý, TP Hà Nội cũng đang từng bước xây dựng những tiền đề quan trọng trong “cuộc chiến” chống ô nhiễm nhựa. Một trong những tiền đề đó là các mô hình "Chống rác thải nhựa" được triển khai và nhân rộng, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cấp, ngành và chính quyền địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ này đã góp phần tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của người dân, từng bước lan tỏa tinh thần trách nhiệm cộng đồng trong công cuộc bảo vệ môi trường sống.

Nhiều phong trào và mô hình tại Hà Nội đã bước đầu mang lại kết quả tích cực. Các mô hình “Đổi phế liệu giữ màu xanh, gây quỹ từ thiện”, "Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội triển khai tại các địa bàn đã thu hút hàng nghìn hộ dân tham gia, giúp giảm lượng nhựa thải ra môi trường. Nhiều quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa… thực hiện tốt mô hình phân loại rác tại nguồn, thúc đẩy thu gom, tái chế rác thải nhựa tại địa phương.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Tại Điều 28 Luật Thủ đô 2024 đã nêu rõ:

Quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch. Hội đồng nhân dân Thành phố có trách nhiệm quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn Thành phố; quy định biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động xử lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng liên quan đến tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất.

Một ví dụ điển hình khác, Green Life – nhóm các bạn trẻ tại Hà Nội khởi xướng phong trào "đổi rác lấy cây" thúc đẩy lối sống xanh và bảo vệ môi trường. Với ý tưởng đơn giản nhưng ý nghĩa, nhóm khuyến khích người dân mang rác thải tái chế như chai nhựa, giấy vụn đến các điểm thu gom để đổi lấy cây xanh hoặc sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hoạt động này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải nhựa mà còn góp phần làm tăng diện tích cây xanh, cải thiện chất lượng không khí tại thủ đô. Phong trào nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ và sinh viên, những người nhiệt tình tham gia và lan tỏa thông điệp. Những sáng kiến này cho thấy tiềm năng của sự tham gia cộng đồng trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Đặc biệt, để giải bài toán rác thải nhựa trong thời kỳ số hóa như hiện nay sẽ không thể thiếu yếu tố công nghệ. Các chuyên gia khẳng định, Hà Nội cần đầu tư vào công nghệ tái chế hiện đại và áp dụng thuế môi trường với nhựa dùng một lần để giảm tiêu thụ. Đồng thời, giáo dục cộng đồng là yếu tố then chốt để thay đổi hành vi. Cùng đó, cần xây dựng tiêu chuẩn rõ ràng cho sản phẩm tái chế và tăng cường truyền thông để người dân thấy lợi ích của việc giảm nhựa.

PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, muốn chống ô nhiễm nhựa thì điều đầu tiên cần làm là tổ chức quản lý thu gom, phân loại tái sử dụng chất thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ kỹ thuật để xử lý chất thải nhựa.

Ngoài ra cũng cần chú trọng áp dụng các công cụ kinh tế môi trường trong sản xuất, kinh doanh và xử lý chất thải nhựa (thuế môi trường sản phẩm nhựa, xử phạt vi phạm hành chính về thải bỏ chất thải nhựa) đồng thời nâng cao công tác giáo dục, truyền thông cho tất cả tầng lớp dân cư về ô nhiễm nhựa. Với sự chung tay của tất cả các bên, Hà Nội có thể trở thành hình mẫu về quản lý rác thải nhựa, góp phần vào mục tiêu quốc gia về giảm ô nhiễm nhựa đại dương.

Trích dẫn
Trích dẫn 2
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Bên cạnh đó, Điều 73, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ