Hà Nội và nhiều tỉnh thành không thiếu thịt lợn dịp Tết Canh Tý 2020

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.

 Quang cảnh Hội nghị 
Thông tin tại Hội nghị, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện tổng đàn lợn của cả nước là 24,9 triệu con, trong đó đàn lợn nái là 2,7 triệu con. Điều này giúp ngành nông nghiệp chủ động được nguồn cung con giống.
Để bảo đảm thực phẩm cho dịp Tết Canh Tý 2020 và những tháng quý I/2020, bắt đầu từ tháng 7/2019, nhiều cơ sở thuộc các tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội) đã tiến hành tái đàn và tăng đàn trên cơ sở bảo đảm an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, tại các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất vẫn ổn định. Tổng số đàn lợn thịt và nái đều có xu hướng tăng. 
Bộ NN&PTNT cho biết, từ nay đến quý I/2020, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương duy trì tổng đàn từ 25 – 25,5 triệu con. Cùng với sản xuất của các doanh nghiệp, nguồn cung thịt lợn sẽ được ổn định và ngày tăng lên đáp ứng tương đối đủ nhu cầu tiêu dùng. 
Cũng tại hội nghị, nhiều địa phương đã có ý kiến về việc bảo đảm nguồn cung dịp cuối năm. Theo đó, đại diện các tỉnh, TP: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định… đều cho biết sẽ không thiếu thịt lợn. Thậm chí, Bắc Giang còn thừa thịt lợn và sẽ đáp ứng nhu cầu cho một số tỉnh, TP lân cận. 
Một số tỉnh, TP đã tổ chức dự trữ các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nguồn thực phẩm cho nhu cầu cuối năm. Đơn cử như, TP Hà Nội bố trí 31.200 tỷ đồng; TP Hồ Chí Minh bố trí 103.000 tỷ đồng. Hay tỉnh Bắc Giang dự trữ 20.000 tấn thịt lợn; Phú Thọ ước sản lượng thịt lợn là 10.000 tấn, thừa ra 3.000 tấn so với nhu cầu 7.000 tấn của địa phương… 
 Hà Nội và nhiều tỉnh thành sẽ không thiếu thịt lợn dịp Tết 
Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT cũng đánh giá, nhiều địa phương còn e ngại trong công tác tái đàn. Các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học được Bộ NN&PTNT khuyến cáo chưa được thực hiện triệt để. Nhiều địa phương chưa thông qua kế hoạch tái đàn… Đây là nguyên nhân khiến khả năng thiếu hụt thịt lợn tăng cao.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các bộ ngành, địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các mặt hàng thực phẩm, nhất là giá thịt lợn để người sản xuất và người tiêu dùng biết, tránh hiện tượng “găm hàng”, thổi giá lên cao bất thường. Tạo mọi điều kiện cho vấn đề lưu thông thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các hộ tái đàn trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về an toàn dịch bệnh. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần