Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội vẫn cần loa phường

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù là phương thức thông tin cơ sở đã cũ nhưng loa phường vẫn thể hiện được vai trò nhất định đối với đời sống kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Quãng thời gian Thủ đô phải căng mình phòng, chống đại dịch Covid-19 cũng là thời điểm mà loa phường thể hiện rõ ràng nhất sự cần thiết của mình.

Hệ thống loa phát thanh trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Hệ thống loa phát thanh trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng

Hiệu quả trong phòng, chống Covid-19

Nhớ lại quãng thời gian cách đây đúng một năm, khi khu vực mình ở là một trong những điểm nóng của Hà Nội về dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Nhàn (Nguyễn Trãi - Thanh Xuân Trung) 65 tuổi cho biết, phương thức chủ yếu để nắm tình hình xung quanh là đến từ những chiếc loa phường được lắp ở đầu ngõ.

“Do đã có tuổi và không quen sử dụng internet nên thời điểm đó mọi thông báo của địa phương như ca mắc F0 mới, thời gian cách ly, ngày giờ lấy xét nghiệm các hộ dân, phương thức phòng chống dịch hay như cả giờ đi tiêm… tôi và nhiều người lớn tuổi ở khu vực này đều nắm được rõ ràng qua loa phường” - bà Nhàn chia sẻ.

Cũng theo bà Nhàn, ở thời điểm hiện tại, thông qua loa phường bà vừa có thể làm việc nhà, chăm cháu mà vẫn có thể nắm bắt được tình hình cụ thể tại địa phương như thời gian, địa điểm tiêm mũi 4 hay khuyến cáo phòng chống dịch sốt xuất huyết đang bùng phát.

Anh Lê Đức Thanh (Cầu Giấy) 36 tuổi cũng cho biết, loa phường là công cụ cực kỳ hữu ích trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đang cao trào tại Thủ đô. Khi ấy việc nắm được tình hình như gần ngõ nhà mình có ca nhiễm mới nào không, cách ly đến thời gian nào, muốn hỗ trợ ngay trực tiếp cần liên hệ với số điện thoại nào ở địa phương… chỉ có thể nắm bắt được qua hệ thống loa phường.

“Có thời điểm, trên báo đài thông tin rằng ở phường mình có ca nhiễm mới nhưng không chi tiết cụ thể là ở đâu, chỉ đến khi loa phường thông báo thì tôi mới biết trường hợp F0 này ở ngay trong ngõ nhà mình. Mặc dù loa phường không đa dạng thông tin bằng tivi, báo điện tử hay mạng xã hội nhưng để biết tường tận tới từng ngõ, xóm thì đây vẫn là công cụ không thể thiếu” - anh Thanh bày tỏ.

Từ hai ý kiến trên có thể thấy, mặc dù là hình thức thông tin tuyên truyền đã cũ nhưng loa phường vẫn có những hiệu quả nhất định với người dân Hà Nội. Đặc biệt, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, loa phường đã thể hiện sự cần thiết của mình khi đáp ứng đầy đủ với yêu cầu cấp bách về truy vết, khoanh vùng, dập dịch đòi hỏi thông tin phải nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương, những giai đoạn Hà Nội căng mình phòng, chống dịch Covid-19 đã qua cho thấy loa phường đang là hình thức thông tin cơ sở có hiệu quả cao cũng như ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Khác với các loại hình truyền thông khác, loa phường là phương tiện thông tin cơ sở cần thiết. Do những thông tin này thường chỉ tập trung của một xã, phường hoặc thậm chí là một tổ dân phố riêng biệt. Trên thực tế việc thông tin trực tiếp tới cộng đồng dân cư đó sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt hơn nhiều.

“Trước đây khi nói về loa phường người dân còn có bức xúc do nội dung chưa phong phú, chất lượng phát thanh chưa cao, bố trí khung thời gian, chương trình chưa hợp lý. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, thời lượng phát thanh của loa phường đã giảm xuống còn không quá 2 buổi/ngày, tối đa 15 phút/buổi và không phát vào thứ Bảy, Chủ nhật cũng như tránh các vị trí như trường học hay có nhiều người già” - bà Nguyễn Thị Mai Hương nói thêm.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở TT&TT, việc Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng loa phường là thực hiện theo Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020. Đây không phải là câu chuyện của riêng Thủ đô, hiện đang có khoảng 20 địa phương trên cả nước đã ban hành kế hoạch thực hiện tương tự.

Loa phường hoạt động trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Loa phường hoạt động trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều nước vẫn dùng… loa phường

Trên thực tế, cũng tương tự Việt Nam, tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, loa phường vẫn giữ vai trò nhất định trong cuộc sống. Đặc biệt trong trường hợp xảy ra các thảm họa tự nhiên, hệ thống loa phóng thanh dạng này đang là giải pháp chưa thể thay thế toàn bộ.

Có thể kể đến như Nhật Bản, quốc gia nằm trên vành đai núi lửa quanh Thái Bình Dương này mỗi năm phải đón nhận hơn 7.000 trận động đất lớn nhẹ. Do đó, Hệ thống cảnh báo khẩn cấp quốc gia (J-Alert) đã được đưa vào sử dụng từ năm 2007 nhằm mau chóng phát đi những thông tin cảnh báo tới người dân để họ kịp thời di tản trước khi xảy ra các thảm họa thiên nhiên như động đất, núi lửa, sóng thần…

Theo đó, mỗi khi có cảnh bảo về hiểm họa thiên nhiên từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, J-Alert sẽ truyền tín hiệu tới các hệ thống liên lạc vô tuyến về phòng chống thiên tại ở thành phố, thị trấn từ đó tự động phát đi tin tức khẩn cấp tới người dân thông qua loa phát thanh ngoài trời. Nhờ vậy, người dân có thể mau chóng đưa ra biện pháp phòng tránh hoặc di tản trong trường hợp cần thiết.

Khi không có tình huống khẩn cấp, hệ thống loa phát thanh ngoài trời tại Nhật Bản cũng có những chức năng khác như phát cảnh báo thử nghiệm dưới dạng bài hát kéo dài từ 30 - 60 giây trong khung giờ từ 16 - 19 giờ hoặc thông báo các sự kiện cùng tin tức quan trọng tại địa phương.

Còn tại Mỹ, quốc gia này cũng có một hệ thống tương tự với tên gọi EAS. Mỗi khi có các tình huống khẩn cấp như thảm họa thiên nhiên hay các mối đe dọa về quân tự, EAS sẽ gửi cảnh báo tới người dân thông qua truyền hình cáp, đài phát thanh và cả hệ thống loa phóng thanh được lắp đặt tại địa điểm trong khu vực.

Được biết, việc cảnh báo qua hệ thống loa phóng thanh ở trên phát huy hiệu quả khá tốt ở những khu vực thuộc miền Trung Tây và Nam khi kịp thời giúp người dân tránh được các cơn bão lốc xoáy, hay khu vực bờ Đông với những cơn bão diễn ra khá phổ biến luôn luôn được thông tin sớm.

Như vậy có thể thấy, trong cuộc sống bình thường có đôi khi người dân quên đi vai trò cũng như đóng góp của loa phường đối với cuộc sống. Nhưng phải trải qua những sự cố lớn như thảm họa thiên nhiên hay đại dịch Covid-19 vừa qua ở Việt Nam, mới thấy rõ được sự cần thiết của của phương tiện thông tin cơ sở này. Vì thế, việc duy trì loa phường vẫn là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

 

Ngày 21/7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn TP. Trong đó đặt ra các mục tiêu đến năm 2025 như: 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư; 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; Sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh, chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.