Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Vì sao các trường có hai cách thu học phí?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các trường phổ thông công lập tại Hà Nội đã và đang triển khai thu học phí năm học 2021- 2022. Giữ nguyên mức trần học phí, áp dụng mức học phí online, được TP hỗ trợ 50% và thời gian thu muộn- là những điểm khác biệt của việc thu học phí năm nay so với mọi năm.

Cách thu học phí gây ra thắc mắc
Liên quan đến học phí năm học 2021- 2022, HĐND TP Hà Nội đã thông qua 2 chính sách; đó là Nghị quyết số 05/2021/NQ- HĐND về mức thu học phí và Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ học phí do ảnh hưởng dịch Covid- 19. Theo đó, mức trần học phí năm học 2021- 2022 giữ nguyên như năm học 2020- 2021 và mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến (online) bằng 75% mức thu học phí trực tiếp. Ngoài ra, TP hỗ trợ 50% mức học phí hàng tháng của năm học này cho mỗi học sinh.
Nếu như mọi năm, việc thu phí đầu năm học được tiến hành ngay sau khai giảng thì năm học này, sau 3 tháng học online, nhiều phụ huynh vẫn thấy nhà trường “chưa thu bất cứ tiền gì!”; điều này làm giảm rõ rệt nỗi lo tài chính; là một hình thức chia sẻ vô cùng đáng quý với phụ huynh học sinh trong giai đoạn dịch bệnh. Cuối tháng 11, đầu tháng 12, một số trường công lập rục rịch triển khai thu học phí 3 tháng (9, 10, 11) hoặc 4 tháng (9, 10 11, 12) với hai cách thu khác nhau. Nguyên nhân là do cách triển khai tách biệt hoặc đồng thời hai Nghị quyết 05 và 08.
 Giáo viên trường THCS Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ dạy trực tiếp khối lớp 9 (có kết nối trực tuyến) từ ngày 22/11
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, phụ huynh trường THCS Việt Nam- Angieri (quận Thanh Xuân) cho biết: “Tôi nhận được thông báo của nhà trường về mức đóng học phí bằng online 3 tháng 9, 10, 11 bằng 75% phí trực tiếp. Với cấp THCS thành thị mức học trực tiếp là 155.000 đồng; học online sẽ là 116,250 đồng/tháng. Giáo viên chủ nhiệm thông báo, 50% hỗ trợ của TP sẽ trả học sinh- sau khi tiền hỗ trợ của TP chuyển về nhà trường. Do được giải thích rõ ràng nên không phụ huynh nào có thắc mắc”.
Cũng triển khai thu học phí cho học sinh theo cách trên, nhà giáo Đào Ngọc Sỹ- Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Hà Đông cho hay: Nhà trường thu học phí 3 tháng 9,10,11 của học sinh với mức 75% so với học trực tiếp. Lý giải vì sao nhà trường không thu học phí sau khi đã được TP hỗ trợ 50%, theo nhà giáo Đào Ngọc Sỹ thì có hai câu chuyện tách biệt trong vấn đề học phí năm nay. Một là học sinh đóng cho nhà trường (học phí trực tuyến bằng 75% học trực tiếp). Hai là TP hỗ trợ cho học sinh (hỗ trợ 50% học phí do ảnh hưởng Covid- 19). Hiện nhà trường thu học phí- tức khoản học sinh phải đóng. Còn khoản học sinh được hỗ trợ, nhà trường sẽ chi trả ngay sau khi nhận được khoản tiền này.
Khác cách thu học phí tại một số trường THPT, THCS đang thực hiện; nhiều trường học lại áp dụng theo cách gộp, nghĩa là: Đối với học phí online, sau khi tính toán 75% học phí; các trường giảm tiếp 50% (tiền hỗ trợ của TP) và chỉ thông báo số tiền thực đóng của học sinh.
Nhà giáo Bùi Tố Hoa, Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Trường tính toán để chỉ thu học phí một lần. Theo đó, sau khi nhận được văn bản hướng dẫn của cấp trên, trường triển khai với giáo viên chủ nhiệm các lớp để phổ biến cho phụ huynh về cơ chế, chính sách học phí năm nay. Sau khi được hỗ trợ, học phí online của học sinh THCS vùng nông thôn sẽ còn 28,100 đồng/tháng.
Thực hiện đồng thời Nghị quyết 05 và 08 của TP, trường THCS Trần Duy Hưng, trường THCS Nghĩa Tân và các trường THCS công lập khác trên địa bàn quận Cầu Giấy triển khai thu học phí đối với học sinh giai đoạn học trực tuyến là 58.100 đồng/tháng (cấp THCS khu vực thành thị). Mức phí này là số tiền học sinh phải đóng sau khi tính học phí online (75%) và được hỗ trợ 50%.
Cách thức triển khai thu học phí tùy thuộc vào các trường nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết của HĐND TP; trước hay sau thì phụ huynh, học sinh vẫn được đảm bảo đúng và đủ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, “các trường cần căn cứ đúng hướng dẫn, quy định, có cách thu hợp lý, thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho cả nhà trường và phụ huynh học sinh”- đại diện Phòng Kế hoạch- Tài chính (Sở GD&ĐT) cho biết.
Thu phí đối với khối học trực tiếp xen trực tuyến
Trên tinh thần thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, Hà Nội đã từng bước mở cửa trường học với 3 đợt; trong đó đợt 1 (từ 8/11)- với học sinh khối 9 huyện Ba Vì; đợt 2 (từ 22/11)- với học sinh khối 9 các huyện, thị xã còn lại và đợt 3 (từ 6/12)- với học sinh khối 12 trên 30 quận, huyện, thị xã (học luân phiên). Việc triển khai học trực tuyến/trực tiếp như trên cũng liên quan đến mức thu học phí, đòi hỏi các đơn vị tính toán kỹ lưỡng, chi tiết bởi mức thu phí là không giống nhau.
 Mức thu học phí với khối học đan xen giữa trực tuyến và trực tiếp cần có hướng dẫn cụ thể hơn căn cứ thực tế triển khai
Liên quan đến thời gian thu học phí, Nghị quyết 05/2021/NQ- HĐND quy định: Đối với các tháng có thời gian dạy học thực tế (bao gồm cả thời gian tổ chức dạy học trực tuyến hoặc bố trí thời gian học bù tại trường) không đủ cả tháng, việc xác định thời gian thu học phí được tính như sau: Trường hợp thời gian dạy học thực tế trong tháng dưới 14 ngày (bao gồm cả số ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) thì thực hiện thu học phí 1/2 tháng (tương ứng với mức học phí của từng vùng, từng cấp học và hình thức học thực tế); trường hợp thời gian dạy học thực tế trong tháng từ 14 ngày trở lên (bao gồm cả số ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) thì thực hiện thu đủ tháng (tương ứng với mức học phí của từng vùng, từng cấp học và hình thức học thực tế); đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.
Theo đó, với học sinh lớp 9 các trường THCS thuộc huyện Ba Vì sẽ triển khai thu học phí tháng 11 theo mức học trực tiếp; với các huyện, thị xã còn lại, học sinh lớp 9 học trực tiếp từ 22/11 (thời gian học thực tế là 9 ngày gồm cả ngày nghỉ); do đó mức thu học phí tháng 11 sẽ chỉ là “tạm thu” vì phải chờ hướng dẫn.
Tương tự, với mức học phí tháng 12 của lớp 12 tại 30 quận, huyện, thị xã cũng mới là “tạm thu” bởi từ 6/12, học sinh lớp 12 học theo hình thức luân phiên. Mỗi học sinh học 3 buổi/tuần trực tiếp và 3 buổi/tuần trực tuyến. Đối với quận Đống Đa, học trực tiếp chỉ diễn ra trong 1 tuần rồi lại chuyển học trực tuyến do quận là địa bàn có dịch cấp độ 3. “Riêng lớp 12, trường tạm thu học phí bằng mức phí học trực tuyến; sau khi cấp trên có hướng dẫn cụ thể, trường sẽ có các bước triển khai tiếp theo cho phù hợp”- Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông) Đào Ngọc Sỹ nêu rõ.
Được biết, tổng kinh phí để hỗ trợ 50% mức học phí cho học sinh các cấp học trên địa bàn Thủ đô năm học 2021- 2022 là gần 893 tỷ đồng (trong đó, cấp mầm non là hơn 378,7 tỷ đồng; cấp tiểu học là hơn 40,4 tỷ đồng; cấp THCS gần 258,6 tỷ đồng đồng và cấp THPT là hơn 215,1 tỷ đồng). Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài và có diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của người dân, chính sách thiết thực và ý nghĩa trên đã góp phần sẻ chia, giảm bớt chi phí tài chính đối với phụ huynh, học sinh; được Nhân dân Thủ đô ghi nhận, đánh giá cao.