Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Vì sao nhiều dự án đê điều cấp bách chưa thể giải ngân?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai, trong năm 2022, Hà Nội đã phê duyệt 8 dự án xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở đê điều trên các tuyến sông. Đến nay, nhiều dự án đã cơ bản hoàn thành. Chủ đầu tư đang tích cực triển khai công tác giải ngân.

4 dự án đã giải ngân đợt 1

Dự án xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Đà, đoạn tương ứng từ K3+150 đến K3+430 và từ K3+760 đến K4+100 thuộc địa phận xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) là một trong những dự án cấp bách được TP Hà Nội phê duyệt đầu năm 2022. Dự án có tổng chiều dài gần 607m và mức đầu tư hơn 38 tỷ đồng.

Giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Hùng Linh Trần Văn Phúc cho biết, sau khi được chủ đầu tư là Sở NN&PTNT Hà Nội lựa chọn là đơn vị thi công, doanh nghiệp đã huy động lực lượng tập trung khắc phục sự cố sạt lở đê hữu Đà. Dù mới chỉ nhận được mặt bằng hồi tháng 3/2022, tuy nhiên đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành các hạng mục theo thiết kế.

Dự án xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Đà tại xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) đã hoàn thành. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Dự án xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Đà tại xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) đã hoàn thành. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Không chỉ hoàn thành trước tiến độ, dự án xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Đà tại huyện Ba Vì cũng đạt tỷ lệ giải ngân cao top đầu nhóm 8 dự án xử lý sự cố đê điều cấp bách mà UBND TP Hà Nội phê duyệt. Đến nay, dự án này đã giải ngân được gần 34 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư hơn 38 tỷ đồng.

Ngoài dự án xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Đà, có 3 dự án khác cũng đã cơ bản hoàn thành thi công; tiến độ giải ngân nguồn vốn đạt cao. Cụ thể là dự án xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ hữu sông Hồng tại xã Thái Hoà (huyện Ba Vì). Dự án này đã hoàn thành thi công, giải ngân được gần 29,2 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư hơn 34 tỷ đồng.

Dự án xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở kè Sơn Tây trên địa bàn xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), đã hoàn thiện phần chân kè, mái kè và đang thi công hoàn chỉnh rãnh đỉnh kè. Dự án có tổng mức đầu tư gần 6,2 tỷ đồng; hiện đã giải ngân được gần 3,73 tỷ đồng.

Cũng tại thị xã Sơn Tây, dự án xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở kè Sơn Tây đã cơ bản thi công xong. Chủ đầu tư dự án đã tiến hành giải ngân được gần 52 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn TP Hà Nội giao là hơn 61,6 tỷ đồng. Đây cũng là công trình xử lý sự cố đê điều có tổng mức đầu tư lớn nhất trong năm 2022.

Đá hộc hộ chân kè ven sông Hồng thuộc địa phận xã Thái Hoà (huyện Ba Vì).
Đá hộc hộ chân kè ven sông Hồng thuộc địa phận xã Thái Hoà (huyện Ba Vì).

Cần điều chỉnh dự toán ban đầu

Theo Ban Quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện nay vẫn còn 4 dự án chưa thực hiện giải ngân được, do một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như dự án xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở mái đê tả Đáy thuộc địa bàn xã Sơn Công và xã Đội Bình (huyện Ứng Hoà); đến nay dù đã hoàn thành thi công xây dựng nhưng chưa giải ngân được. Nguyên nhân là do dự án đang phải duyệt điều chỉnh lại dự toán theo công bố giá vật liệu và chế độ chính sách hiện hành.

Hay như dự án xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ hữu sông Hồng, đoạn qua xã Đông Quang và Cam Thượng (huyện Ba Vì). Dự án này đến nay cơ bản thi công xong phần chân kè, đang tiếp tục hoàn thiện mái kè và đỉnh kè; tuy nhiên hiện nay chưa giải ngân được. Nguyên nhân là do phải điều chỉnh, bổ sung phạm vi nghiên cứu; duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán theo công bố giá vật liệu.

Sự cố sạt lở bờ sông Hồng tại xã Thái Hoà (huyện Ba Vì) đã được khắc phục.
Sự cố sạt lở bờ sông Hồng tại xã Thái Hoà (huyện Ba Vì) đã được khắc phục.

Trong khi đó, hai dự án xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở mái đê, hư hỏng mặt đê hữu Đáy tại huyện Quốc Oai, cùng dự án xử lý khẩn cấp khắc phục tình trạng lún sụt thân đê hữu Đáy và sập cống qua đê tại trạm bơm tưới Tân Độ (xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức), cũng chưa thể giải ngân. Nguyên nhân là do phải duyệt điều chỉnh lại dự toán và ảnh hưởng của thiên tai khiến việc thi công bị đình trệ.

Giám đốc Ban Quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn Đinh Công Sơn cho biết, hiện nay chủ đầu tư đang đốc thúc đơn vị thi công tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành các hạng mục công trình xử lý khẩn cấp sự cố đê điều. Bên cạnh đó là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện thủ tục để tiến hành công tác giải ngân vốn đầu tư, bảo đảm giải ngân hết phần kinh phí được UBND TP Hà Nội giao trong thời gian tới. 

 

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Hà Nội phát sinh 7 sự cố về kè, 17 sự cố về đê (trong đó có 3 sự cố đê cấp IV; 2 sự cố đê cấp V). Bên cạnh đó là 3 sự cố về bờ bãi sông và 1 sự cố điếm canh đê. Các sự cố đã được phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đời sống dân sinh...