Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội - Viêng Chăn hợp tác cùng phát triển kinh tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/8, TP Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện gồm: Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, với chủ đề ''Hà Nội - Viêng Chăn, Hợp tác cùng phát triển''; Không gian triển lãm ảnh và trưng bày, giới thiệu sản phẩm Hà Nội - Viêng Chăn.

Hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực

Thông tin từ Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường Lào đạt 74,8 triệu USD, đồng thời nhập khẩu lượng hàng hóa từ thị trường này trị giá 98,3 triệu USD. Từ 2004 đến nay, TP Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí cho các địa phương Lào xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, dự án xây dựng Trường dạy nghề hữu nghị Viêng Chăn - Hà Nội trị giá 14,8 tỷ đồng; Xây dựng hệ thống cấp nước sạch tại thị xã Xay Xổm Bun với tổng mức đầu tư là 7.955 triệu đồng; Dự án lắp đặt điện chiếu sáng một số khu vực Thủ đô Viêng Chăn trị giá 4.419 triệu đồng. Ở chiều ngược lại, DN Lào hoạt động trong một số lĩnh vực như thương mại, bất động sản, tài chính, ngân hàng, sửa chữa ô tô, xe máy… đã đầu tư gần 8 triệu USD vào TP Hà Nội.

Doanh nghiệp Viêng Chăn và Hà Nội trao đổi, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại hội nghị
Doanh nghiệp Viêng Chăn và Hà Nội trao đổi, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, truyền thống đoàn kết, gắn bó, hữu nghị đặc biệt giữa hai đất nước Việt Nam - Lào đã không ngừng thắt chặt, phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp…

Đồng tình với ý kiến này, Phó Đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn Phouvong Vongkhamsao nêu rõ, thông qua hội nghị, DN 2 TP cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về cơ hội, thế mạnh trong thu hút đầu tư; Thiết lập hợp tác xây dựng kinh tế chung mở cửa ra thế giới trong cơ chế hợp tác toàn diện, phát huy cơ hội, thế mạnh về kinh tế và tài nguyên sẵn có sao cho đạt kết quả cao nhất.

“Hội nghị còn là dịp để các đại biểu 2 nước có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, thiết lập đối tác chiến lược về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trong điều kiện bình thường mới giữa hai nước Lào - Việt Nam nói chung và giữa hai Thủ đô nói riêng” - ông Phouvong Vongkhamsao khẳng định.

Thúc đẩy giao thương giữa doanh nghiệp hai Thủ đô

Thông tin về cơ hội đầu tư và chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TP Hà Nội không ngừng đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đại biểu TP Hà Nội - Viêng Chăn thăm “Không gian triển lãm ảnh và trưng bày, giới thiệu sản phẩm Hà Nội - Viêng Chăn”
Đại biểu TP Hà Nội - Viêng Chăn thăm “Không gian triển lãm ảnh và trưng bày, giới thiệu sản phẩm Hà Nội - Viêng Chăn”

Tại hội nghị, các DN Lào có chung mong muốn trong thời gian tới DN 2 TP đẩy mạnh hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong các lĩnh vực du lịch, vận tải, khách sạn, nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.

Giám đốc Trung tâm Thương mại ASEAN Mall Vị-xay Nạ- viêng chăn nêu rõ, môi trường đầu tư Lào rất thân thiện, hiếu khách, DN Việt Nam đầu tư vào Lào sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn tốt nhất.

"Hiện, Trung tâm Thương mại ASEAN Mall đang tiêu thụ nhiều sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất như tôn lạnh, đồ nhựa... Thời gian tới, đơn vị mong muốn sẽ có thêm nhiều mặt hàng tiêu dùng Việt bầy bán" - ông Vị-xay Nạ- viêng chăn  bầy tỏ.

 

Tại  hội nghị đã diễn ra lễ trao 3 biên bản ghi nhớ giữa DN Viêng Chăn và Hà Nội về việc hợp tác kỹ thuật, thúc đẩy sản xuất nông sản, khăn giấy để phân phối trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài; Chuyển giao công nghệ phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp và liên kết chuỗi tiêu thụ nông sản, đặc sản Việt Nam - Lào.

Trong khi đó Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, trong quá trình đầu tư vào Lào, DN gặp không ít khó khăn về nguồn lực lao động tại địa phương, do đó mong muốn phía Lào tập trung hơn vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời mong muốn chinh quyền TP Viêng Chăn hỗ trợ DN Việt Nam xây dựng quảng bá thương hiệu trong quá trình đầu tư tại Viêng Chăn.

”DN mong muốn hai bên có nhiều hội nghị xúc tiến trực tuyến, trực tiếp hỗ trợ kết nối, giao thương. Trước mắt sản phẩm của Lào sẽ tham gia vào chuỗi liên kết đặc sản vùng miền, OCOP mà TP Hà Nội đã và đang triển khai tại các điểm bán lẻ” - ông Mạc Quốc Anh nói.

Để cùng đồng hành khai thác du lịch giữa 2 TP, Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội Trương Quốc Hùng kiến nghị, DN du lịch 2 TP thành lập các nhóm liên minh du lịch Hà Nội - Viêng Chăn, qua đó quảng bá du lịch 2 nước Việt - Lào tới du khách. Đồng thời Lào cần tạo điều kiện hơn nữa về các thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch qua cửa khẩu đường bộ, hàng không giữa hai nước.

Trước đề xuất, kiến nghị của DN 2 TP, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương thông tin, trong thời gian tới HPA sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến tại TP Viêng Chăn qua đó tạo điều kiện cho DN Hà Nội - Viêng Chăn kết nối đầu tư, quảng bá sản phẩm, xây dựng tour du lịch.

Nêu những giải pháp hỗ trợ DN 2 TP kết nối, hợp tác, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, thời gian tới TP Hà Nội sẽ triển khai nhiều hoạt động hơn nữa để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 TP ngày càng thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu; tiếp tụᴄ mở ra một thời kỳ phát triển mới, năng động, ᴠì lợi íᴄh ᴄủa nhân dân mỗi nướᴄ, ᴠì hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung ᴄủa khu ᴠựᴄ.

 

Trong khuôn khổ hội nghị, TP Hà Nội đã tổ chức “Không gian triển lãm ảnh và trưng bày, giới thiệu sản phẩm Hà Nội - Viêng Chăn”. Triển lãm giới thiệu những hình ảnh về các sản phẩm đặc trưng, đặc sản làng nghề, địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Viêng Chăn. Bên cạnh đó, các DN Lào hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phụ tùng ô tô, thủ công mỹ nghệ, sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may… tham gia trưng bày sản phẩm và tìm kiếm đối tác tiêu thụ.