Tại hội nghị tổng kết công tác năm của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức ngày 13/1, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực, cho biết trong năm 2022, Hội đồng OCOP TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng lần 1 được 518 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do chuẩn bị hết thời hạn 36 tháng theo quy định.
Trong số 491 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng lần 1, ngành thực phẩm tươi sống có 76 sản phẩm, chiếm 14,7%; thực phẩm chế biến có 225 sản phẩm, chiếm 43,4%; ngành đồ uống có 12 sản phẩm, chiếm 2,3%; ngành thảo dược có 22 sản phẩm, chiếm 4,2%; ngành thủ công mỹ nghệ có 168 sản phẩm, chiếm 32,4%; ngành vải may mặc có 13 sản phẩm, chiếm 2,5%; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch có 2 sản phẩm, chiếm 0,4%.
Đáng chú ý, Chương trình OCOP năm 2022 tiếp tục thu hút được sự tham gia đông đảo của các thành phần kinh tế. Trong tổng số 518 sản phẩm, có 220 sản phẩm OCOP từ làng nghề, làng có nghề, chiếm 42,5%; 49 chủ thể là doanh nghiệp, có 169 sản phẩm, chiếm 32,6%; 39 chủ thể là hợp tác xã, có 100 sản phẩm, chiếm 19,3%; 103 chủ thể là hộ kinh doanh, có 249 sản phẩm, chiếm 48,1%.
Trước đó, Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá, phân hạng), 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.
Ngoài phát triển sản phẩm OCOP, UBND TP Hà Nội cũng quan tâm tổ chức những sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng, khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử, văn minh, hiện đại…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá cao kết quả mà Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đạt được trong năm qua. Một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị thực hiện trong năm 2023 là tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình OCOP các cấp, từ cán bộ huyện, thị xã, cho tới lãnh đạo xã, thôn phù hợp với tình hình mới và cho chủ thể tham gia chương trình OCOP.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại sản phẩm đã hết thời hạn hiệu lực phân hạng sản phẩm OCOP. Tích cực hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hàng năm để dự thi nâng sao; phấn đấu tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm mới dự thi năm 2023 và đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP đã hết hạn.
Bên cạnh phát triển sản phẩm, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online... Nỗ lực để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm và sử dụng...