Hà Nội xây dựng các kịch bản tăng kim ngạch xuất khẩu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021 khép lại trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khi TP Hà Nội và cả nước đối diện hàng loạt bất lợi do dịch Covid-19 gây ra. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế; vậy trong năm 2022 phương án nào để xuất khẩu Hà Nội tiếp tục tăng trưởng?

May hàng xuất khẩu tại Công ty May Nam Sơn, Sơn Tây. Ảnh: Hải Linh  
May hàng xuất khẩu tại Công ty May Nam Sơn, Sơn Tây. Ảnh: Hải Linh  

Điểm sáng trong phát triển kinh tế

Theo Sở Công Thương Hà Nội, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành dịch vụ vẫn tăng 2,71% so với năm 2020, trong đó giá trị tăng thêm hoạt động bán buôn bán lẻ là 1,88%. Đặc biệt xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi kim ngạch đạt 16 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2020, trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh như dệt may tăng 18,3%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 40,2%, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 39,3%...

TS Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) nêu rõ, kết quả này đạt được là nhờ nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, DN đã khai thác, tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và những hiệp định FTA để phát triển thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, DN đã cơ cấu thị trường theo hướng mở rộng, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu qua đó tăng kim ngạch. “Các nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 86% giá trị xuất khẩu của cả nước, trong khi các mặt hàng nguyên liệu thô giảm tỷ trọng là minh chứng việc DN đa dạng mặt hàng xuất khẩu, tăng giá trị gia tăng”- ông Lê Huy Khôi dẫn chứng.

Đồng tình với phân tích này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải thông tin, trong năm 2021, để hỗ trợ DN tận dụng các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, Sở đã phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức nhiều buổi giao thương với đối tác nước ngoài qua đó tạo cơ hội cho DN tìm kiếm thị trường mới, duy trì chuỗi cung ứng với các thị trường đã ký kết. Đặc biệt căn cứ vào diễn diễn biến của dịch Covid-19 trên toàn cầu triển khai nhiều hình thức xuất khẩu trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba, Esti.

Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng 5%

Năm 2022 ngành công thương Hà Nội đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 5%. Để đạt mục tiêu này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong năm 2022, sở sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó triển khai có hiệu quả Kế hoạch về hội nhập quốc tế TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể từ nay đến cuối năm 2022 tổ chức triển khai Kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Hà Nội đã tập trung thực hiện 7 giải pháp chủ yếu, gồm nâng cao sức cạnh tranh cho DN có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan T.Ư trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các DN sản xuất hàng xuất khẩu. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu.

Ngoài ra, TP sẽ nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại theo hướng tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành T.Ư, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, TP cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực…

 

Để DN tăng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi cơ quan quản lý cần kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng chú trọng chính sách tài khóa hỗ trợ giúp DN vượt qua khó khăn. Nâng cao năng lực giải ngân, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, dự án kết nối liên vùng

Tiến sĩ Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương)