Kiểm soát chặt việc thực hiện giãn cách xã hội
Theo nội dung của Chỉ thị số 06-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy đặc biệt lưu ý 6 nhóm nội dung quan trọng cần tập trung thực hiện. Trong đó, trước hết, các cấp, toàn TP phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một khu dân cư trên phố Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa). Ảnh: Duy Linh |
Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, toàn TP tiếp tục thực hiện quyết liệt, triệt để, nghiêm túc, có hiệu quả thực chất việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của T.Ư, TP. Đặc biệt là kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại hệ thống các chốt ra vào TP, các chốt của quận, huyện, thị xã và tại cơ sở, đường mòn, lối mở, đường thủy, đường sắt; siết chặt kiểm tra người và phương tiện, không để lọt người từ các vùng có dịch vào TP mà không được kiểm tra dịch tễ; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp cố tình vi phạm.
Có các giải pháp quyết liệt hạn chế người dân ra đường, nhất là khu vực phong tỏa, nơi có nguy cơ cao, chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”; học tập, nhân rộng các mô hình đang được tổ chức thực hiện hiệu quả tại các địa phương; trọng tâm là siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường gắn với kiểm tra các cơ quan, DN đóng trên địa bàn, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phòng, chống dịch Covid-19, việc cấp và sử dụng giấy đi đường...
Tổ chức triển khai mô hình “Gia đình an toàn Covid-19”, kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết ở trong nhà, không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, “ai ở đâu, ở đó”. Huy động sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của từng người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra một chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Viết Thành |
Áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với 3 vùng
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn TP theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”.
Cụ thể, đối với khu vực “vùng xanh”, giao đồng chí Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Trên cơ sở phương án được phê duyệt, các cấp, các ngành từ TP đến quận, huyện, thị xã phải xây dựng ngay kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể tại địa phương, nhất là tại các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh... để có kịch bản phương án phòng, chống dịch chủ động, không để lúng túng, bị động. Đồng thời, có phương án tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội, sinh hoạt phù hợp với đặc điểm của từng vùng; tập trung tổ chức cách ly, phong tỏa triệt để “vùng đỏ” bảo đảm chặt chẽ từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
Cũng theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, các lực lượng chức năng đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, coi đây là biện pháp mũi nhọn tập trung ưu tiên nguồn lực để xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao, các vùng phong tỏa, cách ly, nhằm bóc tách triệt để các ca F0, truy vết F1 để chuyển cách ly tập trung. Từng bước làm sạch, chuyển “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, chuyển “vùng da cam” thành “vùng xanh” và tiến tới tổ chức xét nghiệm diện rộng cả “vùng xanh” để đưa TP trở về trạng thái bình thường mới.
Đặc biệt, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần; tại các khu vực có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần; các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.
Đối với biện pháp tiêm vaccine, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đề nghị tiếp tục nâng cao năng lực các dây chuyền tiêm với sự tham gia của các bệnh viện tuyến T.Ư, bộ, ngành, y tế tư nhân, y tế cơ sở để sẵn sàng tổ chức tiêm quy mô lớn, bảo đảm an toàn, đúng quy định khi tiếp nhận thêm vaccine.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra một chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai). Ảnh: Viết Thành |
Huy động sức mạnh Nhân dân trong phòng, chống dịch
Trong lần trả lời báo chí gần đây nhất, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với vị trí Thủ đô, trái tim của cả nước, Hà Nội luôn xác định có nguy cơ rất cao với dịch Covid-19, nhất là trong đợt bùng phát dịch thứ tư rất nguy hiểm với biến chủng mới lây lan mạnh. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo sát với yêu cầu thực tiễn; thường xuyên nghe báo cáo, cập nhật tình hình và cho ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các giải pháp chiến thuật trước mắt, các giải pháp chiến lược lâu dài; luôn chủ động chỉ đạo tìm giải pháp sớm và cao hơn với tinh thần đi trước, làm trước.
Trong đó, chủ trương thực hiện giãn cách toàn TP theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ từ 6 giờ ngày 24/7/2021 là một quyết định được T.Ư, dư luận và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng lòng của Nhân dân và DN. Vận dụng nhuần nhuyễn các phương châm phòng, chống dịch “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa, cách ly theo mô hình “3 lớp” nên dù dịch bệnh diễn biến phức tạp TP vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình.
Hà Nội đã thiết lập được hệ thống phòng, chống dịch thống nhất, đồng bộ theo các lớp, các vòng tương đối chặt chẽ, bố trí tới tận các thôn, xóm, ngõ, phố, chung cư... Do đó, mặc dù bùng phát dịch với nguy cơ lây lan rộng từ cuối tháng 4, nhưng nhờ tập trung cao độ, lựa chọn các giải pháp mạnh ngay từ đầu, nên đến nay, Hà Nội vẫn nắm thế chủ động kiểm soát dịch bệnh. Song song với các biện pháp chống dịch quyết liệt nhằm khống chế các ổ dịch mới phát sinh, ngăn chặn dịch lây lan rộng, Hà Nội đã tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm việc cách ly tập trung, điều trị bệnh nhân F0 với các phương án, kịch bản dịch diễn biến xấu, ở mức cao hơn với quyết tâm không để phải cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà.
“Trong suốt hơn 1 năm với 4 đợt bùng phát dịch, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 rất phức tạp, khó lường, Nhân dân Thủ đô luôn thể hiện rõ tinh thần gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù ban đầu tình hình, diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp, nhưng nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp mạnh ngay từ đầu, Hà Nội đã khống chế, ngăn chặn dịch bùng phát, bảo vệ an toàn cho Thủ đô. Đây là thành quả rất đáng tự hào, là cơ sở để TP tiến tới đẩy lùi đợt dịch lần này” - Bí thư Thành ủy đánh giá.
Từ thực tiễn đó, Bí thư Thành ủy cho biết, Thành ủy Hà Nội kêu gọi cả hệ thống chính trị từ TP xuống cơ sở, đặc biệt là Nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, nêu cao ý chí tự lực tự cường, quyết chiến, quyết thắng, kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tất cả cùng đồng sức, đồng lòng, muôn người như một gương mẫu, đi đầu ở mọi lúc, mọi nơi trong công tác phòng, chống dịch. Mọi chủ trương, chính sách, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh cấp thiết, cấp bách hiện nay của TP nếu người dân không đồng tình, ủng hộ thì cũng không thể thực hiện thành công.