Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội xây dựng chính quyền mới sau Cách mạng tháng Tám 1945

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc trên địa bàn Thủ đô Hà Nội từ Cách mạng tháng Tám 1945 do Đảng lãnh đạo gắn liền với vai trò tổ chức, điều hành của chính quyền.

Cách mạng tháng Tám thành công, Hà Nội trở thành trung tâm cách mạng của cả nước, Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Quân dân Thủ đô Hà Nội đánh chiếm Phủ Khâm sai ngay sau Lễ mít tinh ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trung tâm cách mạng của cả nước
Dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngay từ cuối tháng 8 năm 1945, chính quyền Nhân dân các cấp nội, ngoại thành Hà Nội đã được thành lập nhằm đưa hoạt động của TP hòa nhịp với cuộc sống cách mạng. Ngày 30/8/1945, UBND TP Hà Nội do bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch đã chính thức được thành lập. Sau đó, nội thành Hà Nội được chia thành 47 khu phố vào tháng 10/1945.

Ngày 21/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 77 quy định về tổ chức, quyền hạn và cách thức làm việc của chính quyền nhân dân ở các thị xã và TP. Theo Sắc lệnh này, TP Hà Nội được đặt trực tiếp dưới quyền của Chính phủ T.Ư, được đặt ra ba tổ chức chính quyền các cấp là HĐND TP, Ủy ban Hành chính TP và Ủy ban Hành chính khu phố. Có thể nói rằng, đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đặt nền móng cho việc xây dựng chính quyền nhân dân các cấp, tạo cơ sở vững chắc để bảo vệ chính quyền T.Ư.

Trong khoảng thời gian từ tháng 12/1945 đến ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, UBND TP Hà Nội đã có rất nhiều hoạt động hiệu quả, góp phần củng cố và xây dựng Thủ đô của nước Việt Nam mới giành được độc lập sau hơn 80 năm bị đế quốc Pháp đô hộ.

Theo TS Đào Thị Diến, lần đầu tiên, việc đặt tên phố được quy định theo những nguyên tắc thống nhất của Nhà nước Việt Nam mới trong tờ trình ngày 1/12/1945 được Chủ tịch UBND TP Trần Duy Hưng ký duyệt. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên là phải giữ nguyên tên cũ của Hà Nội 36 phố phường. Chính vì vậy, một loạt tên phố gần gũi với người dân Thủ đô như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Thiếc, Hàng Mắm, Hàng Đường… đã được trở lại với tên gọi gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội.

Tiếp đó, ngày 20/4/1946, Ủy ban khu phố và đại biểu Ủy ban Hành chính TP đã quyết nghị chia Hà Nội ra làm 17 khu, đặt tên riêng và ấn định địa giới cho các khu như Trúc Bạch, Đồng Xuân, Thăng Long, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục, Hoàn Kiếm,…

Theo nguyện vọng của nhân dân, chính quyền đã xóa bỏ và sửa đổi một số thuế, tạm thời định ra những thể lệ bảo đảm tự do hội họp; quy định chế độ lao động của công nhân và quan hệ chủ - thợ; kêu gọi điền chủ giảm tô cho nông dân…

Phát triển các tổ chức cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh để tăng cường chỗ dựa cho chính quyền cách mạng. Các Đại hội Thanh niên, Công nhân, Phụ nữ cứu quốc Hoàng Diệu trong nửa cuối năm 1945 đã củng cố thêm một bước các tổ chức quần chúng. Ngoài ra, nhằm mở rộng thêm mặt trận đoàn kết toàn dân, các tổ chức Công thương cứu quốc, Liên đoàn công giáo cứu quốc, Hội Phật giáo cứu quốc cũng đã được ra đời.
Giải quyết được những công việc khó khăn, cấp bách
Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền TP Hà Nội lúc bấy giờ đã làm được khối lượng công việc lớn, như: Giải quyết những khó khăn cấp bách về kinh tế, văn hóa, xã hội; tổ chức quản lý và phát triển đô thị; chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Hưởng ứng sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Hà Nội đã sôi nổi diễn ra phong trào tự nguyện đóng góp tiền của, vàng bạc ở mọi tầng lớp nhân dân. “Tuần lễ vàng” khai mạc tại Hà Nội, nhân dân Thủ đô đã góp 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc, nhiều tiền bạc, hiện vật khác, tổng cộng giá trị trên 7 triệu đồng Đông Dương lúc bấy giờ. Số tiền đó đã giúp Chính phủ khắc phục phần nào những khó khăn về tài chính trước mắt, mua sắm thêm vũ khí để xây dựng nền quốc phòng.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào ngày 3/9/1945, ở Hà Nội, Thành ủy và UBND TP đã tích cực tổ chức thực hiện 3 cuộc vận động lớn. Đó là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm.

Phong trào “nhường cơm sẻ áo” và tăng gia sản xuất chống đói phát triển mạnh mẽ. Theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả các gia đình, cơ quan, xí nghiệp, doanh trại đều tổ chức “Hũ gạo cứu đói” và 10 ngày một lần tổ chức “đồng tâm bớt bữa, dành gạo cứu đói”. Thực hiện khẩu hiệu: “Tấc đất tấc vàng”, khắp nội, ngoại thành đều tích cực trồng rau, màu ngắn ngày. Nông dân ngoại thành phá ruộng đay, thầu dầu chuyển sang trồng cây lương thực… Sau một tháng vận động tăng gia sản xuất, Hà Nội tăng thêm 200 ha diện tích trồng trọt. Đến lúc giáp hạt, ngô khoai đã có thu hoạch. Nạn đói dần bị đẩy lùi. Đời sống của nhân dân, nhất là nông dân ngày một bớt khó khăn.

Trong phong trào chống nạn mù chữ, hàng ngàn thanh niên học sinh, sinh viên, công chức Hà Nội đã hăng hái tham gia các “Đội quân tiêu trừ giặc dốt”. Các khu phố, thôn xóm tổ chức được hàng nghìn lớp bình dân học vụ cho hàng vạn người chữ biết chữ, đủ các lứa tuổi, vào tất cả các buổi. Thắng lợi trên mặt trận “chống giặc dốt” đã tạo điều kiện cho nhân dân có những hiểu biết văn hoá nhất định để tham gia vào việc nước và phát huy vai trò làm chủ.

Cuộc vận động “đời sống mới” được thực hiện với mục đích xây dựng đạo đức cách mạng, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tẩy rửa những thói hư, tật xấu do xã hội cũ để lại, để hình thành và phát triển một nếp sống mới.

Có thể thấy tiến trình luật pháp Thủ đô thể hiện nỗ lực lớn của Đảng, Chính phủ đối với quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội trong điều kiện mới giành được độc lập, thể hiện qua các chế định trong Sắc lệnh số 77 và Hiến pháp dân chủ năm 1946. Mặc dù thiết kế đó chưa được thực hiện hóa toàn phần, nhưng đã thể hiện tư duy quản lý và phát triển đô thị, được phản ánh ở mô hình tổ chức chính quyền với những tính toán đặc thù của địa bàn đô thị và chức năng của một đơn vị hành chính - lãnh thổ đóng vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước.

Hoạt động của chính quyền TP Hà Nội trong năm đầu Cách mạng tháng Tám không chỉ mang ý nghĩa tự thân mà còn đóng góp quan trọng vào xây dựng và bảo vệ chính quyền T.Ư, góp phần vào sự nghiệp cách mạng cả nước.