Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hà Nội: xây dựng lộ trình ôn thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn nước rút

Kinhtedothi – Còn hơn 2 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ chính thức diễn ra. Nhìn thẳng vào kết quả khảo sát học sinh lớp 12, ngày 15/4, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” để tìm giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi.

Đánh giá kết quả khảo sát lớp 12 với từng loại hình trường

3 năm nay, hội nghị về công tác chuẩn bị ôn tập thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 đối với các trường có kết quả khảo sát lớp 12 chưa cao được ngành GD&ĐT Hà Nội gọi là “Hội nghị Diên Hồng”. Hội nghị nhằm nhận diện những tồn tại của từng đơn vị, trường học để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, nâng chất lượng dạy học, ôn tập đối với học sinh lớp 12. Đối tượng tham gia hội nghị là những đơn vị, trường học có kết quả khảo sát chưa cao và trường có nhiều học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Nhắc lại kết quả khảo sát lớp 12 vừa qua, Sở GD&ĐT cho biết: điểm trung bình các môn ở khối trường công lập cao hơn điểm trung bình TP ở hầu hết các môn. Cụ thể, môn toán là 5,84 điểm, cao hơn 0,74 điểm; môn ngữ văn là 6,16 điểm, cao hơn 0,54 điểm; môn tiếng Anh 6,32 điểm, cao hơn 0,03 điểm...

Dù có mức điểm trung bình cao, nhưng kết quả khảo sát ở khối các trường công lập cũng có sự chênh lệch khá rõ. Các cụm như Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng, Ba Đình - Tây Hồ, Đống Đa - Thanh Xuân - Cầu Giấy có kết quả điểm trung bình ở mức tốt hơn so với mặt bằng chung. Kết quả khảo sát ở một số cụm trường khu vực huyện còn thấp.

Tỷ lệ bài kiểm tra dưới trung bình (dưới 5 điểm) của học sinh khối trường công lập là 22,37%, so với mức 31,86% của toàn TP là thấp hơn, nhưng cho thấy còn số lượng không nhỏ học sinh công lập ở mức chưa đạt.

Với khối trường tư thục và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, qua kết quả khảo sát cho thấy, chất lượng học tập của học sinh lớp 12 còn cần sự hỗ trợ tích cực; số bài kiểm tra khảo sát có nguy cơ trượt tốt nghiệp ở mức cao, đòi hỏi các đơn vị cần khẩn trương có giải pháp thiết thực.

Tăng cường ôn tập phối hợp hướng dẫn học sinh tự học

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, nhà trường đều nêu một trong những nguyên nhân dẫn đến điểm khảo sát lớp 12 chưa cao là do điểm đầu vào thấp; học sinh chưa có ý thức tự giác cao trong học tập, chưa thực sự nỗ lực vươn lên và quyết tâm.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trực (huyện Thanh Oai) Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ, năm 2024 trường có 8 học sinh trượt tốt nghiệp. Năm nay, điểm khảo sát lớp 12 của trường chưa đạt như kỳ vọng nên tới đây nhà trường sẽ tích cực phối hợp với phụ huynh giám sát, hỗ trợ học sinh tự học ở nhà; tổ chức phụ đạo theo từng nhóm để tăng tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2025.

Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Tương tự, với Trường THPT Phùng Hưng (Hà Đông) - đơn vị có 10 học sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024, nhà trường cũng bày tỏ tinh thần quyết tâm trong tổ chức ôn tập với lớp 12. Cụ thể, trường sẽ chia nhỏ từng nhóm đối tượng, quan tâm đặc biệt đến học sinh yếu, học sinh chưa tự giác học tập; xây dựng lộ trình, mục tiêu ôn tập từ nay đến sát kỳ thi với mong muốn 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT.

Lãnh đạo các nhà trường cũng chia sẻ, thảo luận, trao đổi để cùng nhau tìm ra phương pháp, cách làm ôn tập hiệu quả. Các đơn vị thống nhất quan điểm sẽ tăng cường hỗ trợ học sinh, chú trọng phụ đạo nhóm học sinh yếu, không chủ quan đối với nhóm học sinh đã có mức điểm khảo sát trên trung bình; đồng thời cam kết nâng cao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay.

Kết luận tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương kêu gọi từng nhà giáo tiếp tục nỗ lực hết sức trong công tác dạy học, tôn tập cho học sinh lớp 12 để trang bị cho các em hành trang tốt nhất về cả kiến thức và kỹ năng; không chỉ để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn để sẵn sàng bước vào cuộc sống.

Từ kết quả khảo sát, các nhà trường cần tiếp tục phân tích, xác định rõ nguyên nhân vì sao môn học này điểm còn thấp, nội dung kiểm tra kia còn nhiều học sinh chưa đạt yêu cầu… Đồng thời cần rà soát kỹ, phân loại học sinh theo nhóm và tăng cường hỗ trợ, tư vấn học sinh trong việc lựa chọn đăng ký môn thi tốt nghiệp phù hợp.

"Mỗi nhà trường, nhà giáo tuyệt đối không được chủ quan, tận dụng tối đa thời gian từ nay tới trước kỳ thi để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh đáp ứng tốt các yêu cầu của đề thi theo dạng thực mới. Cùng với đó, liên hệ chặt chẽ với gia đình theo sát học sinh, hướng dẫn các em xây dựng kế hoạch tự học hiệu quả...” - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương lưu ý.

Hà Nội: quyết tâm tổ chức tốt các kỳ thi, tuyển sinh năm 2025

Hà Nội: quyết tâm tổ chức tốt các kỳ thi, tuyển sinh năm 2025

Hà Nội: thấy gì từ kết quả khảo sát lớp 12?

Hà Nội: thấy gì từ kết quả khảo sát lớp 12?

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bộ GD&ĐT công bố thủ tục xét thăng hạng giáo viên

Bộ GD&ĐT công bố thủ tục xét thăng hạng giáo viên

25 Apr, 03:56 PM

Kinhtedothi- Bộ GD&ĐT vừa công bố thủ tục hành chính trong hệ thống hành chính nhà nước lĩnh vực chế độ, chính sách đối với nhà giáo thuộc phạm vi quản lý của Bộ, trong đó nêu rõ thủ tục để giáo viên/giảng viên được đăng ký dự xét thăng hạng.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ