Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội xây dựng lộ trình triển khai trợ giúp pháp lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025.

Theo đó, giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực, UBND thành phố chỉ đạo, tổ chức hội nghị quán triệt triển khai nội dung đề án. Cụ thể, giao cho Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với sở, ban, ngành liên quan tổ chức hội nghị quán triệt về việc triển khai đề án. Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của chi nhánh, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
Trợ giúp pháp lý cho nhân dân. Ảnh minh họa
Trợ giúp pháp lý cho nhân dân. Ảnh minh họa
Xây dựng đề án sắp xếp vị trí, việc làm của các công chức, viên chức trong Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước phù hợp với nội dung đề án về: Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, nhu cầu trợ giúp pháp lý, điều kiện xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý. Chuyển số biên chế dôi dư của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước sang các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính của Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Phòng Tư pháp quận, huyện, cơ quan quản lý về trợ giúp pháp lý.

Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng… Thực hiện các hoạt động quản lý nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trợ lý pháp lý như: Lựa chọn tổ chức hành nghề luật sư, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của nhà nước; Công bố danh sách Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên của Trung tâm TGPL trên trang thông tin điện tử, đồng thời niêm yết tại trụ sở của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn thành phố.

Xây dựng dự toán kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý trình UBND thành phố bao gồm: Kinh phí chi lương, chi hành chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và các hoạt động trợ giúp pháp lý ngoài nguồn hỗ trợ từ trung ương và chi cho nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

Giai đoạn từ khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực đến năm 2025, UBND thành phố yêu cầu triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Tiếp tục triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Sơ kết 3 năm thực hiện đề án và tổng kết thực hiện đề án. Thực hiện các nội dung nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), đề án của Chính phủ và kế hoạch của Bộ Tư pháp.