Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: xây dựng “nếp cái hoa vàng Sóc Sơn” thành thương hiệu mạnh

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mỗi sào canh tác lúa nếp cái hoa vàng, bà con nông dân huyện Sóc Sơn thu lãi hơn 700.000 đồng so với trồng lúa giống Khang dân truyền thống. Việc nhân rộng những vùng lúa nếp cái hoa vàng đang là hướng phát triển kinh tế được địa phương hết sức chú trọng.

Khả năng thích ứng rộng

Từ năm 2015, giống lúa nếp cái hoa vàng bắt đầu được gieo trồng trên đồng đất huyện Sóc Sơn với quy mô khoảng 200ha. Diện tích canh tác giống lúa mới tập trung chủ yếu tại các xã: Tân Hưng (120ha), Phú Minh (40ha), Bắc Phú (30ha)…

Riêng vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng của xã Phú Minh được bắt đầu đưa vào sản xuất và duy trì từ năm 1984. Giống lúa nếp cái hoa vàng của địa phương này cũng được huyện Sóc Sơn hỗ trợ phục tráng thành công.

Thu hoạch lúa nếp cái hoa vàng tại xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn).
Thu hoạch lúa nếp cái hoa vàng tại xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn).

Nhờ năng suất, chất lượng tốt, giống lúa nếp cái hoa vàng mang lại giá trị kinh tế cao vượt trội so với giống lúa Khang dân truyền thống vẫn được gieo trồng phổ biến trước đó. Diện tích canh tác giống lúa này cũng liên tục được mở rộng.

Thống kê đến năm 2024, toàn huyện Sóc Sơn đã gieo cấy được gần 700ha giống lúa nếp cái hoa vàng. Trong đó, diện tích sản xuất lớn nhất tập trung tại xã Bắc Phú (250ha), tiếp đến là các xã: Tân Hưng (220ha), Trung Giã (45ha), Phú Minh (41ha), Việt Long (40ha)…

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Phạm Văn Binh cho biết, để hỗ trợ phát triển và nhân rộng giống lúa nếp cái hoa vàng, trong vụ Mùa năm 2024, địa phương đã triển khai hỗ trợ sản xuất cho bà con nông dân tại 8 xã ở 18 vùng sản xuất, với tổng diện tích gần 303,6ha.

Theo đó, huyện hỗ trợ 50% giống lúa nếp cái hoa vàng cho diện tích nêu trên của 8 xã. Kết quả đánh giá vụ Mùa năm 2024 vừa qua cho thấy, tại các vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng an toàn, VietGAP, cây lúa cho khả năng sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, độ đồng đều quần thể giống cao, đặc biệt là khả năng thích ứng rộng với các vùng thổ nhưỡng khác nhau.

Lúa nếp cái hoa vàng mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với giống Khang dân.
Lúa nếp cái hoa vàng mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với giống Khang dân.

Đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất

Theo báo cáo của các xã được hỗ trợ, năng suất bình quân của giống lúa nếp cái hoa vàng đạt bình quân 160 - 180kg khô/sào (4,6 - 5 tấn khô/ha). Với giá bán thóc nếp cái hoa vàng tại đầu bờ hiện nay, hiệu quả kinh tế từ canh tác giống lúa nếp cái hoa vàng cao hơn so với cấy lúa giống Khang dân từ 700.000 - 800.000 đồng/sào (nếu bán tươi).  

 

Với sự quan tâm, giúp đỡ của Sở NN&PTNT Hà Nội và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng của huyện Sóc Sơn đã được cấp nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn” vào tháng 11/2015.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, từ thực tế trên, UBND huyện đã giao Phòng Kinh tế tiếp tục phối hợp các cơ quan trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội, các ban ngành liên quan và UBND các xã trên địa bàn huyện tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo hướng hàng hóa trong các năm tiếp theo. Đồng thời, xây dựng thương hiệu “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn” thành thương hiệu mạnh của huyện và TP Hà Nội.

Trong thời gian tới, ông Đỗ Minh Tuấn cho biết UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Kinh tế và các xã, phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Đặc biệt là áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy, gieo sạ, SRI, sấy máy từng bước nhằm giải phóng sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất.

Nghiên cứu xây dựng các chính sách đồng bộ, ưu đãi nhằm kêu gọi các doanh nghiệp liên kết, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo hướng hàng hóa tập trung, tạo quy trình khép kín từ khâu sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.

Đại diện lãnh đạo huyện Sóc Sơn cũng đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công tác đào tạo, quản lý, kỹ thuật chuyên ngành để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nông dân trong sản xuất và thâm canh lúa nếp cái hoa vàng đặc sản; cấp giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất sản phẩm VietGAP, hữu cơ; cấp mã vùng trồng và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nhằm góp phần nâng cao giá trị thương hiệu gạo “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn”.