Thêm 45 xã nông thôn mới kiểu mẫu
Thời điểm năm 2008, khi mới hợp nhất về với Thủ đô, xã Tản Hồng cũng như nhiều địa phương khác của huyện Ba Vì, có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nâng cấp đồng bộ. Thu nhập của người dân còn rất hạn chế…
Từ năm 2010, thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội, xã Tản Hồng đã bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực lớn từ TP Hà Nội và huyện Ba Vì đã được bố trí hỗ trợ các địa phương, trong đó có xã Tản Hồng, với mục tiêu thay đổi diện mạo vùng đất ven sông Hồng.
Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2015, xã Tản Hồng được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 7 năm sau, vào năm 2022, địa phương tiếp tục được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nhưng không dừng lại ở đó, chính quyền và nhân dân xã nhà tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt.
Đến nay, với sự quan tâm, đầu tư lớn của TP Hà Nội, diện mạo xã Tản Hồng tiếp tục có những đổi thay tích cực. Những ngày đầu Xuân, địa phương cũng vinh dự trở thành xã đầu tiên của huyện Ba Vì được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Không chỉ có xã Tản Lĩnh của huyện Ba Vì, tại Quyết định số 1025/QĐ-UBND vừa được UBND TP Hà Nội ban hành cuối tháng 2/2024, còn có 44 xã thuộc 14 huyện, thị xã khác cũng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong số này, huyện Thanh Trì có nhiều xã về đích kiểu mẫu nhất với 15 xã.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà, địa phương luôn xác định “xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng” theo đúng tinh thần chỉ đạo chung của Thành uỷ - UBND TP Hà Nội. Chính vì vậy, ngay sau khi ba xã: Phù Linh, Đức Hoà, Phù Lỗ về đích nông thôn mới nâng cao năm 2022, huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện các tiêu chí để đưa các xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
“Hàng trăm tỷ đồng đã được chính quyền ba xã huy động, trong đó có đóng góp tích cực từ các tầng lớp Nhân dân. Đây là tiền đề giúp ba xã đầu tiên của huyện Sóc Sơn hoàn thành nhiều tiêu chí kiểu mẫu và thu về thành quả lớn, được UBND TP Hà Nội công nhận trong những ngày cuối tháng 2 vừa qua…” - bà Hoàng Thị Hà cho biết thêm.
Với việc có thêm 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đến tháng 3/2024, toàn TP đã có tổng số 65 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đáng chú ý khi hiện nay, hai huyện đầu tiên của Hà Nội gồm: Đan Phượng và Thanh Trì, đã có 100% số xã được công nhận về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, trong năm 2024, TP phấn đấu có thểm ít nhất 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII.
Cụ thể hoá mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2024, Văn phòng Điều phối đã xây dựng kế hoạch để tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện theo tháng, quý tại các huyện, thị xã. Trên cơ sở đó, kịp thời hướng dẫn, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác, theo ông Nguyễn Văn Chí là tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cũng như các tầng lớp Nhân dân. Qua đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các thành phần kinh tế - xã hội đối với mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được mục tiêu theo kế hoạch, Văn phòng Điều phối cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực đầu tư cho các xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng toàn diện, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.