Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Xây dựng nông thôn mới thực chất, đáp ứng sự hài lòng của người dân

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, ngày càng đi vào thực chất, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí xung quanh câu chuyện này.

Không ngừng nâng cao tiêu chí nông thôn mới
Ông có thể đánh giá sơ lược về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM của Hà Nội thời gian qua, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19?
- Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến phát triển tam nông nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung. Song song với phòng, chống dịch, Hà Nội vẫn chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ.
Một tuyến đường bích họa khang trang, sạch đẹp đi qua huyện Phúc Thọ. Ảnh: Trọng Tùng.
Chương trình xây dựng NTM được đẩy mạnh tại các địa phương và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn TP đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và Sơn Tây. Hà Nội cũng đã có 368/382 xã (chiếm 96,3% tổng số xã) về đích NTM, và 29 xã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao.
Cùng với 12 huyện, thị xã về đích, huyện Phú Xuyên là địa phương đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020 trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, công nhận. Theo kế hoạch, trong năm 2021, các huyện: Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn NTM. Định hướng hai huyện còn lại là Ba Vì, Mỹ Đức sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2022.
Không chỉ nằm trong nhóm địa phương đi đầu cả nước về số huyện, xã đạt chuẩn, Hà Nội cũng được Bộ NN&PTNT đánh giá là xây dựng NTM bài bản. Ông có thể chia sẻ về cách làm và phương thức đánh giá xã đạt chuẩn NTM của TP?
- Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có Hướng dẫn số 456/HD-SNN ngày 11/12/2013 về phương pháp đánh giá, chấm điểm các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM áp dụng đối với tất cả các xã trên địa bàn TP thực hiện xây dựng NTM. Sở dĩ Bộ NN&PTNT đánh giá cao cách làm bài bản của Hà Nội đó là bởi các xã NTM của TP không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ tiêu chí NTM.
Thậm chí, một số chỉ tiêu, tiêu chí NTM của Hà Nội đặt ra còn cao hơn so với Trung ương quy định. Đơn cử như tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại, Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM yêu cầu có chợ nông thôn, hoặc nơi mua bán trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, Hà Nội yêu cầu xã NTM cần có chợ nông thôn trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đạt chuẩn, hoặc có siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, ngoài 322 chợ nông thôn còn có các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, bảo đảm giao thương cho người dân khu vực nông thôn.
Cũng phải nói thêm rằng, đối với các xã được công nhận NTM, có thể còn tiêu chí cơ bản đạt nhưng vẫn đáp ứng theo Bộ tiêu chí Quốc gia và hướng dẫn của TP. Điều này hoàn toàn khác với việc nợ tiêu chí. Đơn cử như đối với cơ sở vật chất văn hóa, các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí diện tích đất và huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng mới trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa thì tạm thời sử dụng cơ sở vật chất hiện có để tổ chức các hoạt động phục vụ cộng đồng.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Hà Nội luôn xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó sau khi được công nhận, các xã vẫn tiếp tục đầu tư nguồn lực và huy động sự đóng góp của người dân để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.
Các sở ngành, địa phương phải cùng vào cuộc
Hà Nội chủ trương không chạy theo thành tích trong xây dựng NTM, hướng đến đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của người dân. Điều này đã được TP thực hiện như thế nào trong thời gian qua thưa ông?
Tại Quyết định số 2072/QĐ-UBND ngày 3/4/2017, UBND TP Hà Nội đã phân công trách nhiệm đối với từng sở, ban ngành trong việc phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM. Cùng với đó, TP yêu cầu tất cả các sở, ban ngành phải theo dõi, đánh giá các tiêu chí của xã trên địa bàn từng huyện.
Sự hài lòng của người dân là giá trị cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội. Trong ảnh: Nông dân huyện Mê Linh chăm sóc hoa cây cảnh. 
Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định của TP với sự tham gia của rất nhiều sở, ban ngành. Đặc biệt, cùng với bảo đảm chất lượng các tiêu chí, việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM là một trong những điều kiện, thủ tục bắt buộc trong hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM.
Việc đánh giá sự hài lòng của người dân nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong xây dựng NTM. Từ đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Đây còn là cách thức nhằm đánh giá khách quan kết quả xây dựng NTM, nâng cao trách nhiệm của Ủy ban MTTQ từ TP đến cơ sở trong việc vận động, giám sát xây dựng NTM. Sự hài lòng của người dân cũng chính là giá trị cốt lõi mà Chương trình xây dựng NTM của Hà Nội hướng đến.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội xác định xây dựng NTM theo định hướng phát triển đô thị. Để đạt được mục tiêu trên, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp nào thưa ông?
Kết quả đạt được trong giai đoạn trước là tiền đề thuận lợi để Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu kế hoạch Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ giai đoạn 2021 - 2025. Để làm tốt nhiệm vụ này đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ban ngành từ TP đến cơ sở. Các cấp ủy Đảng cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về xây dựng NTM, từ đó đồng lòng ủng hộ, đóng góp sức người, sức của cho chương trình.
Hà Nội xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài. Ở đó, người dân phải làm chủ thể, từ đó quy tụ nguồn lực xây dựng NTM thực chất, bền vững và đáp ứng nguyện vọng của người dân. Thời gian tới, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp căn cơ để hoàn thành các nội dung của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đặt ra.
Xin cảm ơn ông!

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đời sống nông dân trên địa bàn Hà Nội không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt hơn 55 triệu đồng/năm. Đa số các hộ gia đình đã có nhà ở kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân có nhiều tiến bộ. Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn liên tục giảm, hiện chỉ còn dưới 0,37%; đặc biệt có 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức đã không còn hộ nghèo.