“Những sản phẩm, dịch vụ từ Hà Nội như công nghệ tái tạo, công nghệ thông tin đã tạo lập uy tín trong ASEAN, đồng thời phong trào khởi nghiệp sáng tạo được các nước trong khối rất quan tâm”.
Đó là khẳng định của ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hà Nội (HANOISME) với Kinh tế & Đô thị, khi đề cập tới cơ hội cho Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trước khu vực với hơn 600 triệu dân này.
Các ngành bền vững, thế mạnh của Hà Nội đạt uy tín trong ASEAN
Theo Tradefinanceglobal.com có trụ sở tại London (Anh) , trong 10 năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và hấp dẫn hơn các nước ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines).
“Với cơ cấu dân số vàng như hiện nay, việc chúng ta tích cực hoạt động đầu tư ra khối ASEAN cũng như thu hút các dòng vốn từ ASEAN là lợi thế lớn," Phó Chủ tịch HANOISME cho biết.
Mặt khác, cơ hội này cũng đến từ việc uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như thị trường quốc tế, thương mại truyền thống và phi truyền thống cũng như các hoạt động thương mại điện tử đang phát triển.
Trong đó, Hà Nội được coi là một trong những điểm đến quan trọng nhất tại Việt Nam với nguồn nhân lực dồi dào và cơ sở hạ tầng phát triển, ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.
Với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với việc Việt Nam là thành viên tích cực của ASEAN, Hà Nội là một trong những địa phương hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, ông Marko nhận định.
Trong bối cảnh Việt Nam là thành viên tích cực của ASEAN cũng như lợi thế riêng của Hà Nội, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thủ đô trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Sở Kế hoạch & Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2022, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 979,7 triệu USD, đứng thứ 3 cả nước, trong đó: cấp mới 201 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 130,54 triệu USD; 109 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 375,7 triệu USD.
Cụ thể hơn, ông Mạc Quốc Anh lưu ý, hiện nhiều ngành nghề chủ lực và phát triển bền vững của Hà Nội và Việt Nam nói chung đang được ASEAN đẩy mạnh tiêu dùng. Đặc biệt chúng ta đang hướng đến nhóm ASEAN-4 (Indonesia, Singapore, Malaysia và Thái Lan). Đây là 4 thị trường Việt Nam đẩy mạnh xuất siêu, mặt khác, các "bạn hàng" này cũng rất rộng mở trong đón nhận các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Hà Nội.
Những sản phẩm, dịch vụ cụ thể mà Hà Nội có thế mạnh cũng như được tin tưởng tiêu thụ trong thị trường 600 triệu dân này cũng bao gồm các sản phẩm về đồ gia dụng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, thực phẩm, nông sản, da giầy hay dược phẩm… Ngoài ra, các mặt hàng mới như công nghệ tái tạo, công nghệ thông tin đang dần tạo lập uy tín trong ASEAN, đồng thời phong trào khởi nghiệp sáng tạo thu hút nhiều doanh nghiệp trẻ của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng được các nước trong khối rất quan tâm
Chứng tỏ "bản lĩnh" trong đại dịch, hướng tới cơ hội mới
Những thành quả này một phần do Hà Nội đã minh chứng được "bản lĩnh" khi vượt qua đại dịch Covid-19 vừa qua.
Trong bối cảnh khó khăn của 2 năm đại dịch, ông Mạc Quốc Anh lưu ý, các doanh nghiệp Hà Nội đã tích cực cơ cấu lại ngành nghề phù hợp với nhu cầu mới trong nền kinh tế mới với sự thay đổi liên tiếp trong hành vi tiêu dùng cũng như các ngành nghề.
"Trong chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã duy trì được uy tín do đó một khi đại dịch diễn ra, ít xảy ra sự đứt gãy và giữ được bạn hàng truyền thống trong ASEAN," ông Mạc Quốc Anh khẳng định.
Bên cạnh đó, khả năng vượt khó, đặc biệt trong quản trị tài chính, quản trị nhân lực của doanh nghiệp Hà Nội đã cải thiện mạnh mẽ thời gian qua.
"Chúng ta đã kịp thời thay đổi mẫu mã sản phẩm, kiểu dáng, đăng ký về sở hữu trí tuệ, chặt chẽ về mặt pháp lý, đồng thời cùng lúc tận dụng các chính sách về mặt vĩ mô của chính phủ, Quốc hội. Nhờ đó doanh nghiệp Hà Nội đã vượt qua đại dịch Covid-19," Phó Chủ tịch HANOISME nhấn mạnh.
Theo Tradefinaceglobal, sự kết hợp của cả 4 yếu tố bao gồm chi phí lao động thấp hơn, việc tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản hơn, tiếp cận thương mại tự do tốt hơn và sự ổn định chính trị, rõ ràng là đủ để tạo ra sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư.
Việt Nam đã vượt qua rất tốt sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra, vẫn được coi là một trung tâm sản xuất chủ chốt và đang phát triển. Khi Chính phủ tiếp tục thực hiện các hiệp định thương mại tự do trên khắp thế giới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông cũng như thông tin liên lạc, vị thế của Việt Nam là một "trung tâm sản xuất đang lên" sẽ ngày càng được củng cố.