Trình bày Tờ trình của UBND TP về nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho hay: Về phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách và tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách năm 2022, quy định về phân cấp nguồn thu xác định theo các nguyên tắc: Phân cấp cho ngân sách quận huyện hưởng các khoản thu được phân cấp quản lý thu; riêng với 5 huyện có Đề án lên quận được phân cấp bổ sung các khoản thu phát sinh trên địa bàn để tăng khả năng tự cân đối; các khoản thu không phát sinh hàng năm điều tiết về ngân sách TP để đảm bảo cân đối ổn định ngân sách quận huyện; điều chỉnh phân cấp nguồn thu tiền sử dụng đất cho phù hợp phương thức giao đất và đảm bảo tính chủ đạo của ngân sách TP.
Đối với các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%, trong đó đối với các khoản thu tiền thuê đất trả tiền 1 lần (là khoản thu cân đối nhưng có tính không ổn định), đề xuất ngân sách TP hưởng 100% để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách quận huyện các năm tiếp theo. Đề xuất tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất được xác định chung (không phân chia theo phương thức, quy mô đất) và chia thành các nhóm: Đối với các quận, ngân sách TP hưởng 65%, ngân sách quận hưởng 35%; đối với 5 huyện có Đề án lên quận, ngân sách TP hưởng 20%, ngân sách huyện hưởng 80%. Các huyện còn lại, ngân sách TP hưởng 30%, ngân sách huyện hưởng 70%; ngân sách TP hưởng 100% đối với quỹ đất do TP tổ chức đấu giá để tạo nguồn thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án lớn. Với các khoản thu còn lại, đối với tất cả các quận, huyện, đề xuất tiếp tục hưởng 100% các khoản thu phân cấp cho quận, huyện quản lý thu. Riêng với 5 huyện có Đề án lên quận bổ sung phân cấp cho ngân sách huyện hưởng 100% các khoản không giao quản lý thu phát sinh trên địa bàn.
Đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, đối với 4 khoản thu (thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân), đề xuất đối với tất cả các quận, huyện tiếp tục hưởng các khoản thu phân cấp cho quận, huyện quản lý thu, các khoản thu phát sinh từ khu vực DN ngoài quốc doanh; riêng 5 huyện có Đề án lên quận thì bổ sung hưởng các khoản thu trên phát sinh từ khu vực DNNN và khu vực DN có vốn ĐTNN. Đối với khoản thu thuế bảo vệ môi trường, đối với 5 huyện có Đề án lên quận thì bổ sung cho 5 huyện hưởng; đối với quận, huyện còn lại tiếp tục thực hiện như hiện nay (ngân sách TP hưởng).
Về phân cấp nhiệm vụ chi, cơ bản kế thừa quy định giai đoạn trước và có điều chỉnh cho phù hợp nội dung phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, KT-XH trên địa bàn Hà Nội tại Quyết định 14/2021/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 của UBND TP, quy định về thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Bên cạnh đó, về định mức phân bổ chi ngân sách năm 2022, về định mức phân bổ chi đầu tư XDCB, đối với cấp TP, đề xuất dự toán chi đầu tư XDCB được xây dựng căn cứ theo các nhiệm vụ chi đầu tư TP, đảm bảo phù hợp với kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm và 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và Luật Đầu tư công, tuân thủ các nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư.
Đối với cấp quận, huyện, thị xã, căn cứ các tiêu chí và phương pháp tính toán phân bổ vốn đầu tư phát triển cho các tỉnh, TP theo Quyết định 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020; đề xuất áp dụng 9 tiêu chí chính (dân số, dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, số thu nội địa, tỷ lệ điều tiết về ngân sách cấp trên, diện tích đất tự nhiên, tỷ lệ đất rừng, số đơn vị hành chính cấp xã, số xã miền núi) và 6 tiêu chí phụ bổ sung (mật độ dân số; số trường công lập chưa đạt chuẩn; số km đường giao thông; số di tích; công trình thủy lợi, đê điều; huyện phát triển lên quận) để tính số điểm của từng quận, huyện, thị xã và tổng điểm của 30 quận, huyện, thị xã làm căn cứ phân bổ vốn đầu tư trong cân đối.
Về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách, UBND TP đề xuất đối với định mức phân bổ chi khác ngân sách quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể, xây dựng định mức giai đoạn 2022-2025 theo hướng cơ bản kế thừa định mức giai đoạn trước và điều chỉnh việc tính toán liên quan đến việc sử dụng xe ô tô của các cơ quan cấp TP.
Với định mức lĩnh vực giáo dục, đề xuất xây dựng định mức theo 2 mức (khu vực đô thị gồm học sinh (HS) tại các phường và khu vực còn lại gồm HS tại xã, thị trấn; định mức cho mỗi HS tại khu vực các xã, thị trấn cao hơn khu vực đô thị; đồng thời tính toán tăng định mức cho HS mầm non từ 7,5 triệu đồng/HS/năm lên 9,5 triệu đồng cho một HS tại các phường và 10,5 triệu đồng cho một HS tại các xã, thị trấn).
Đối với các định mức của các lĩnh vực chi theo tiêu chí dân số, để phù hợp mô hình chính quyền đô thị, đề xuất xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN theo 2 mức (người dân tại các phường và người dân tại các xã, thị trấn; dự kiến số chi bình quân mỗi năm cho người dân tại các phường là 320.000 đồng/người và tại các xã, thị trấn là 510.000 đồng/người).
Ngoài ra, đối với người dân sinh sống tại các xã thuộc bãi giữa Sông Hồng, xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi được tính tăng thêm 20% so với các định mức phân bổ theo dân số nêu trên.