Theo đó, UBND TP phê duyệt tổng số 5.349 chỉ tiêu xét tuyển năm 2020, trong đó: Giáo viên mầm non hạng IV, mã số V.07.02.06 gồm 1.789 người; giáo viên tiểu học hạng IV, mã số v.07.03.09 gồm 1.864 người; giáo viên THCS hạng III, mã số v.07.04.12 gồm 1.696 người.
Theo Kế hoạch xét tuyển vào viên chức các CSGD trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2020 đối với các trường hợp LĐHĐ làm công việc giảng dạy tại các CSGD công lập thuộc TP từ năm 2015 trở về trước, người HĐLĐ trong danh sách này, nếu không tham gia dự tuyển hoặc tham gia nhưng không trúng tuyển sẽ phải chấm dứt HĐLĐ và giải quyết chế độ theo quy định. Việc tuyển dụng tiến hành bằng hình thức xét tuyển theo quy định pháp luật.
Cụ thể, yêu cầu đặt ra là việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục của TP đảm bảo công khai, khách quan, dân chủ, công bằng và đúng quy định pháp luật; thực hiện đúng theo tinh thần Công văn 1923/BNV-CCVC ngày 16/4/2020 của Bộ Nội vụ về việc thống nhất phương án xét tuyển đặc cách về đối tượng giáo viên HĐLĐ theo đề nghị của UBND TP Hà Nội tại Công văn 1134/UBND-SNV ngày 6/4/2020. Đối tượng đăng ký dự tuyển là những người HĐLĐ trong danh sách có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức được đăng ký dự tuyển vào vị trí tương ứng trong biểu chỉ tiêu của toàn TP. Người đăng ký dự tuyển viên chức nộp trực tiếp 1 phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu) vào 1 vị trí việc làm (VTVL) tính theo chỉ tiêu trên toàn TP (nếu đăng ký dự tuyển vào từ 2 vị trí trở lên sẽ bị loại khỏi danh sách dự tuyển). Để việc tổ chức thực hiện công tác tuyển dụng thống nhất trên toàn TP và giảm thiểu cạnh tranh tại các vị trí tuyển dụng, sau khi chốt thời gian tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển, các đơn vị công khai danh sách đăng ký dự tuyển để người đăng ký dự tuyển được chuyển đổi nguyện vọng đăng ký dự tuyển (nếu có), việc này sẽ thực hiện 2 lần.
Hình thức tuyển dụng cụ thể: Xét tuyển 2 vòng theo quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 sửa đối, bố sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, ĐVSN công lập. Trong đó, vòng 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của VTVL, nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham dự vòng 2. Vòng 2: Thực hành thông qua giảng dạy để kiểm tra về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển. Việc tổ chức thực hành thực hiện theo Quy chế tổ chức xét tuyển công chức, viên chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức Ban hành kèm theo Thông tư 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Về kinh phí, thực hiện theo Thông tư 228/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức và ngân sách cấp; mức chi áp dụng theo quy định tại Nghị quyết 10/2019/NQ-HĐND ngày 4/12/2019 của HĐND TP về quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP.
Để tổ chức thực hiện, UBND TP giao Sở Nội vụ tham mưu UBND TP thành lập Ban Chỉ đạo xét tuyển vào viên chức các CSGD trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2020 đối với các trường hợp LĐHĐ làm công việc giảng dạy tại các CSGD công lập trên địa bàn TP từ năm 2015 trở về trước; giúp UBND TP chỉ đạo công tác tuyển dụng viên chức các CSGD trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2020 đảm bảo theo chỉ đạo của các cơ quan T.Ư, Bộ Nội vụ và đúng quy định pháp luật, thống nhất trong toàn TP. Đồng thời, giao Sở xây dựng lịch tổ chức thực hiện và hướng dẫn khung nội dung ôn tập, xét tuyển vòng 2 giúp UBND quận, huyện, thị xã ngay sau khi có quyết định phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch xét tuyển của UBND TP (dự kiến trong tháng 6/2020).
Đối với UBND quận, huyện, thị xã, UBND TP giao nhiệm vụ quyết định thành lập Hội đồng xét tuyển viên chức và tổ chức thực hiện theo quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP, xây dựng kế hoạch chi tiết việc tổ chức thực hiện tuyển dụng... Đặc biệt, cần thành lập ban giám sát để giám sát quá trình tổ chức thực hiện xét tuyển viên chức; quyết định phê duyệt kết quả tuyển dụng viên chức; thông báo kết quả tuyển dụng viên chức đến người dự tuyển; tổng hợp kết quả tuyển dụng, báo cáo UBND TP qua Sở Nội vụ; chỉ đạo, hướng dẫn người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thẩm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ, kiểm tra đối chiếu hồ sơ gốc đối với người trúng tuyển trước khi ký hợp đồng làm việc với người trúng tuyển theo quy định…
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cung cấp thông tin tại buổi giao ban báo chí - Chiều nay (9/6) tại buổi giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho hay: Ngay sau kỳ thi tuyển viên chức giáo viên năm 2019, UBND TP đã giao Sở Nội vụ phối hợp Sở GD&ĐT rà soát, tham mưu để triển khai xét đặc cách giáo viên có HĐLĐ từ năm 2015 trở về trước. Thực hiện chỉ đạo này, từ tháng 1-3/2020, Sở đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai rà soát các trường hợp đủ điều kiện, đồng thời, công khai 2.034 trường hợp đủ điều kiện. Trong ngày mai (10/6), Sở sẽ triển khai tổ chức tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển của các thí sinh. Để đảm bảo không có quá nhiều thí sinh đăng ký vào một chỉ tiêu, Sở sẽ công khai danh sách đăng ký vào cuối mỗi ngày, trên cơ sở đó, các thí sinh sẽ lựa chọn, đăng ký vào những chỉ tiêu phù hợp và không phải cạnh tranh. Trong vòng 1 tháng tiếp nhận, mỗi thí sinh được 2 lần thay đổi nguyện vọng đăng ký.
Dự kiến, ngày 12/7/2020, Sở Nội vụ sẽ công khai danh sách thí sinh dự xét tuyển; tiến hành kiểm tra hồ sơ trên phiếu đăng ký, xét lần 1 và xét thực hành, kiểm tra năng lực lần 2. Dự kiến, toàn bộ việc xét tuyển sẽ xong trước 31/7/2020. Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, việc xét tuyển sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy đinh.