Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội, ý thức của người đi lễ đền chùa đã thay đổi: Đốt vàng mã đã giảm

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Nếu như mọi năm các công chức, viên chức đi lễ đầu năm vào ngày thường rất đông, nhưng năm nay đã giảm hẳn, việc đốt vàng mã cũng thế”…, đó là nhận định của ông Trương Tín Hồi, quyền Trưởng tiểu Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội, nơi được coi là thường xuyên có đông người đến lễ và vãn cảnh đầu năm trên địa bàn Thủ đô.

Ý thức của người dân có một phần thay đổi
Theo ông Hồi: Công tác quản lý di tích, quản lý trong khu vực bên trong đền. Việc đảm bảo trật tự có lực lượng công an, thường xuyên kết hợp bảo vệ di tích có người trực 24/24 để trấn áp tội phạm móc túi, lừa đảo. Đồng thời tuyên truyền cho nhân dân không chèo kéo khách vào lễ Phủ.
 Ông Trương Tín Hồi.
Điều quan trọng nhất, sự thay đổi rõ nét mà ông nhận thấy trong dịp lễ đầu năm nay tại Phủ Tây Hồ là: Trước đây, các cơ quan dân chính đảng, nhà nước, từ Trung ương, Thành phố đến các quận, phường họ đi lễ đầu năm vào những ngày thường rất đông. Tuy nhiên, đầu năm nay, tại Phủ Tây Hồ khách đến lễ chỉ đông từ ngày Mồng Một đến Mồng Năm Tết. Những ngày này khách đến lễ khoảng trên 10.000 – 20.000 người/ngày. Nhưng từ ngày Mồng Sáu trở đi, khi các cơ quan công sở vào làm việc mỗi ngày chỉ khoảng từ trên 1.000 đến trên 2.000 người đi lễ Phủ. Sau ngày Rằm tháng Giêng lượng người đi lễ Phủ còn giảm nữa.
Cùng với đó, ý thức của người dân khi vào lễ đã được nâng lên. Cụ thể, như việc hóa nhiều vàng mã đã được hạn chế. Trước kia tại Phủ có nhiều người tiến voi, ngựa… Nhưng kể từ năm 2010 trở lại đây, thực hiện Nghị định 75 của Chính phủ về xử phạt đồng đối với hành vi đốt đồ vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác. Sau một thời gian nhà đền giáo hóa cho bà con không tiến mã lớn trong phủ thì tình trạng này giảm hẳn. 
Những người ở nơi xa đến chưa biết quy định của nhà đền Ban quản lý mời tín chủ mang ngay ra nơi hóa mã. Đến nay gần như không còn trường hợp tiến mã lớn kể trên. 
 Các chùa, đền đầu năm không đông người đi lễ như mọi năm. Hình ảnh ở Bia Bà Hà Đông.
Cùng với đó, việc thắp hương trong Phủ đã được Ban quản lý thực hiện 17 năm nay. Bây giờ bà con đi lễ chủ yếu là thắp hương ở ngoài không gây ô nhiễm môi trường, cháy nổ trong gian thờ. Lễ thắp cũng không nhiều, một ít tiền vàng, trái cây, hoa tươi. Mọi người cúng lễ trong trật tự, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy, móc túi như trước đây.
  Phủ Tây Hồ cũng vắng người đi lễ đầu năm. Không còn cảnh chen lấn, xô đẩy, móc túi như trước đây.
Chị Trần Thị Dung, ở Cầu Giấy chia sẻ: Tôi thường xuyên đi lễ tại Phủ Tây Hồ, năm nay việc hóa vàng mã người dân hạn chế rất nhiều. Bản thân tôi cũng chỉ đi hành hương cho tâm mình thanh thản và cầu sức khỏe và may mắn đến với mọi người trong gia đình. Năm nay tôi thấy người dân đi lễ vào ngày thường và giờ hành chính đã giảm khá nhiều. Trước kia tôi đi vào buổi chiều muộn như thế này cũng rất đông, chen nhau sắp lễ mà lễ lớn cũng nhiều, nhưng hôm nay tình trạng này không còn. Ý thức của người đã chuyển biến khá rõ nét.
Lượng vàng mã đốt giảm 5 - 6 lần
Giải thích thêm về việc hạn chế đốt vàng mã tại Phủ Tây Hồ, ông Hồi nói: Vừa rồi có kiến nghị của Trung ương Hội Phật giáo về không đốt vàng mã, nếu cấm không đốt thì có lẽ chưa làm được, nhưng tại Phủ đã hạn chế rất nhiều người tiến nhiều mã lớn. Cụ thể, những năm trước vào trước và sau Tết Nguyên đán nhà đền phải chở đi từ 18 - 20 bao tải tro đốt vàng mã/ngày. Nhưng năm nay chỉ có ngày 30 và Mồng Một Tết cao điểm nhất là 15-16 bao tải tro. Những ngày sau đó đến mồng 5 Tết khoảng 8 – 9 bao tải. Từ sau ngày Mồng Sáu tại Phủ chỉ còn chuyển đi mỗi ngày 3 - 4 bao tải tro đốt vàng mã. Như vậy, lượng vàng mã đốt tại Phủ trước và sau Tết Nguyên đán năm nay đã giảm. Đặc biệt, từ ngày bắt đầu vào làm việc của năm mới lượng vàng mã đốt trong đền giảm khoảng 5 - 6 lần so với trước.
 Lượng vàng mã sắp lễ đã ít đi rất nhiều, ít mã lớn.
Không chỉ có ở Phủ Tây Hồ mà phóng viên cũng đã đi và phỏng vấn nhiều người đi lễ ở một số đền, chùa khác trên địa bàn Hà Nội đều nhận được câu trả lời rằng: Bây giờ nhiều nơi người dân đi lễ chùa chủ yếu bằng tâm linh, không còn hóa nhiều vàng mã như những năm trước.

Bà Trần Thị Ngọc ở quận Đống Đa đi lễ đền, chùa Bia Bà, Hà Đông chia sẻ: Tôi đi chùa cảnh chùa tĩnh mịch, làm cho tâm thanh thản. Không chỉ có đầu năm mà hàng tháng tôi vẫn đi chùa, nhưng không sùng bái nên cũng không mua tiền vàng mà chỉ bỏ một ít tiền vào hòm công đức. Tôi thấy nhiều người đã bỏ được tục lệ hóa nhiều vàng mã, mỗi năm người dân đã giảm được khá nhiều tiền vàng khi đi lễ đầu năm. Năm nay, nhà nước đưa ra dự kiến bỏ đốt vàng mã tôi cho đây là một đề xuất rất hay, hợp lòng dân, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, chống lãng phí với gia đình, bản thân người đi lễ.
 Bà Ngọc chia sẻ với phóng viên dịp đi lễ đầu năm.
 Các lễ bày trên ban thờ chủ yếu là lễ nhỏ tiền vàng, nhiều là vàng khối. Không có mã lớn.
Theo ông Phan Văn Hiền, Phó Ban thường trực quản lý di tích Bia Bà, quận Hà Đông chia sẻ: Việc hóa vàng mã là tập tục lâu đời của người dân Việt Nam “trần sao âm vậy”, Ban quản lý di tích không cấm người dân đốt vàng mã, nhưng nhiều năm qua đã cấm dâng mã lớn như voi, ngựa và tuyên truyền hóa ít tiền vàng. Đến nay di tích Bia Bà đã không còn người đốt mã lớn. Nhiều người đi lễ chỉ bỏ giọt trầu, điều này khẳng định ý thức của người dân đã thay đổi rất nhiều trong việc đi lễ chùa, đền nói chung và vào dịp đầu năm nói riêng.

Thống kê chưa đầy đủ của ngành văn hóa tại thời điểm năm 2003: Trung bình mỗi năm người dân Thủ đô tiêu tốn mất 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Riêng ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lượng vàng mã đem "hóa" mỗi ngày lên tới hàng tạ, tương đương khoảng 80-100 triệu đồng tiền thật/ngày (tại thời điểm đánh giá).

Theo cách tính của đại diện Phủ Tây Hồ, số lượng đốt vàng mã đã giảm 5 - 6 lần so với trước, nếu đền chùa nào cũng giảm như vậy thì người dân Hà Nội mỗi năm đã tiết kiệm được trên 300 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Đây là một con số không hề nhỏ. Có lẽ việc đốt vàng mã giảm bao nhiêu trên địa bàn Hà Nội cần được các cơ quan chức năng đánh giá. Tuy nhiên, những nhận định của một số đền, chùa nêu trên đã cho thấy ý thức của người dân trong việc đốt vàng, mã đã thay đổi rất nhiều.