Hà Nội yêu cầu chấm dứt ngay việc sử dụng tài sản công không đúng quy định

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinnhtedothi - Các đơn vị chấm dứt ngay việc sử dụng tài sản công không đúng quy định (chưa có Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sử dụng tài sản công không đúng Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;...). Nộp toàn bộ số tiền thu được từ sử dụng tài sản công không đúng quy định vào ngân sách nhà nước.

Để thực hiện, hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, ngày 8/6/2020, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, cụ thể một số nội dung sau:
Về mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung: Việc mua sắm tập trung cấp quốc gia thực hiện theo quy định của Chính phủ, trước mắt tiếp tục tạm dừng việc mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc) theo chỉ đạo của Chính phủ. Sở Tài chính rà soát, tham mưu UBND Thành phố điều chỉnh những bất cập phát sinh (nếu có) về danh mục mua sắm tập trung của Thành phố, đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của Thành phố; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong việc mua sắm tập trung, kịp thời xử lý hoặc tham mưu xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền và quy định của luật.
Về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công: Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ có trách nhiệm:
(1) thực hiện nghiêm việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công để quản lý, sử dụng đúng tiêu chuẩn, định mức và quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có); xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng tài sản công chưa đúng quy định (cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, bố trí nhà đất vào mục đích ở,...), thu hồi toàn bộ số tiền thu được từ sử dụng tài sản công không đúng quy định vào ngân sách nhà nước;
(2) trường hợp chưa có phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất hoặc phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt có sự thay đổi: khẩn trương rà soát toàn bộ các cơ sở nhà, đất được giao quản lý, sử dụng, đề xuất Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, gửi Sở Tài chính:
(i) trước ngày 30/6/2020 đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị;
(ii) đảm bảo theo kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn trước ngày 30/6/2020 đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; để tổng hợp, trình UBND Thành phố phê duyệt. 
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị tham mưu, báo cáo UBND Thành phố các nội dung: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời do ô nhiễm môi trường. Ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch sau khi có ý kiến của HĐND Thành phố, hoàn thành trong năm 2020.
Về việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết: Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liến kết có trách nhiệm rà soát, lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. 
Các đơn vị chấm dứt ngay việc sử dụng tài sản công không đúng quy định (chưa có Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sử dụng tài sản công không đúng Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;...). Nộp toàn bộ số tiền thu được từ sử dụng tài sản công không đúng quy định vào ngân sách nhà nước. Cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập và Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và Thành phố nếu để xảy ra tình trạng sử dụng tàỉ sản công không đúng quy định thuộc phạm vi quản lý.
Về việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công: Thanh tra Thành phố, Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất hoặc theo từng chuyên đề việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Thành phố; báo cáo UBND Thành phố xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài sản công; xử lý các hành vi vi phạm được phát hiện theo quy định. Việc thanh tra, kiểm tra phải thực hiện từ khâu giao tài sản công, lập dự toán, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản để phòng ngừa sai phạm; tăng cường giám sát của cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần