Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạ tầng số đã sẵn sàng cho kinh tế số, xã hội số?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là yếu tố chính để Việt Nam chuyển đổi từ mô hình kinh tế, xã hội truyền thống sang không gian số, hạ tầng số đang được đầu tư trọng điểm từ khối công lẫn tư nhằm kiến tạo nền tảng vững chắc cho sự thay đổi mang tính bước ngoặt này.

“Mạch máu” của kinh tế số, xã hội số
Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong vòng hơn 2 năm qua đã tác động rất lớn tới tình hình kinh tế - xã hội của hầu hết quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên đại dịch cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Việt Nam muốn trở thành một quốc gia phát triển thì bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi sang mô hình xã hội số - kinh tế số.
Có vai trò “mạch máu” của kinh tế số, xã hội số, hạ tầng số được xem là nền tảng quyết định chính đến kết quả của sự chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số. Việc các cấu phần như hạ tầng dữ liệu, hạ tầng trí tuệ nhân tạo, hạ tầng kết nối và hạ tầng định danh số … phát triển hiện đại, đồng bộ, liên thông và an toàn là điều kiện kiên quyết để triển khai các công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.

 Việt Nam đang có những đầu tư bài bản vào hạ tầng mạng 5G
Trên thực tế, trong những năm qua, hạ tầng số của Việt Nam đã được tập trung đầu tư trọng điểm với nguồn lực lớn, qua đó cũng đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Có thể kể đến như hạ tầng viễn thông đã phủ khắp toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với hơn 800.000 km cáp quang và các trạm thu phát sóng. Số thuê bao băng rộng cố định đạt gần 14 triệu cùng giá cước truy cập internet ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á.

Không chỉ vậy, mạng di động của Việt Nam cũng có tốc độ phát triển mạnh, đạt tỷ lệ phủ sóng tới 99,7%. Mạng 3G, 4G phủ sóng toàn quốc cùng với đó mạng 5G cũng từng bước được thương mại hóa. Không chỉ vậy, tốc độ tăng trưởng thuê bao di động cũng ở mức cao từ 30-40% với số lượng vượt mốc 100 triệu thuê bao. Tỷ lệ người sử dụng internet cũng vượt mức trung bình của thế giới với hơn 55% dân số có sử dụng kết nối này.

Ngoài ra, hạ tầng dữ liệu quốc gia cũng ngày càng phát triển ở cả khu vực công và tư. Hiện một số cơ sở dữ liệu có quy mô toàn quốc đã được đưa vào triển khai và phát huy hiệu quả rõ rệt như  cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm, cơ sở dữ liệu ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội …. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cũng được ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, ở khía cạnh doanh nghiệp, quá trình đầu tư vào hạ tầng số quốc gia cũng được triển khai khá mạnh mẽ. Không chỉ chủ động phát triển công nghệ, thiết bị, nhiều doanh nghiệp còn bắt tay với đối tác nước ngoài nhằm nâng cao năng lực trong lĩnh vực này. Có thể kể đến như VNPT bắt tay với Nokia nhằm nâng nâng cấp năng lực mạng đường trục, mạng lõi, phát triển nền tảng 4G, 5G, IoT… 

Đánh giá về hạ tầng số của Việt Nam, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho rằng cơ sở hạ tầng số của chúng ta đang ở mức khá hiện đại, từng bước đáp ứng được những đòi hỏi cơ bản của kinh tế số, xã hội số. Với cốt lõi là hạ tầng viễn thông thông băng rộng được kết nối đến từng gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đang được thúc đẩy phát triển, đầu tư trước để đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Tuy nhiên, chính Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cũng cho rằng tốc độ phát triển của hạ tầng số của Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế số, xã hội số.

Có thể ví dụ như hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin chưa phát triển đủ nhanh để đáp ứng các yêu cầu triển khai thành phố thông minh, tự động hóa sản xuất, phương tiện tự động, IoT … Lượng người ở các vùng nông thôn, mình núi tiếp xúc với băng thông rộng còn nhiều hạn chế. 

Không chỉ vậy, hạ tầng vật lý cũng chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai toàn diện các phương thức quản lý thông minh. Hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia triển khai chậm, phân tán, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ. Hạ tầng thanh toán số cũng tương tự với độ phủ chưa lớn.

Nhìn chung quá trình chuyển đổi số quốc gia vẫn ở tốc độ chậm, thiếu chủ động, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ hạ tầng phục vụ còn nhiều hạn chế. Ở khía cạnh doanh nghiệp, đa phần còn bị động, năng lực ứng dụng công nghệ hiện tại còn thấp, ông Đỗ Ngọc An chia sẻ.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions Phạm Anh Đức cũng cho rằng hạ tầng số của Việt Nam đang còn nhiều hạn chế. Điều này đến từ việc hạ tầng dùng chung chưa được tối ưu, các đơn vị đang tự xây dựng hạ tầng cho riêng mình là chính, không có sự chia sẻ hay dùng chung với bên khác.

Không chỉ vậy, việc xây dựng hạ tầng số ở khối nhà nước như các bộ, nghành, địa phương còn nhiều khó khăn do chưa có tiêu chuẩn cụ thể. Nguồn nhân lực cho hạ tầng số chưa đủ đảm bảo. Điều này khác với nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ hay thậm chí là Malaysia khi họ đã có những chiến lược rất rõ ràng để phát triển hạ tầng số.

Có thể khẳng định doanh nghiệp Việt không thua kém với thế giới về phát triển hạ tầng số, thậm chí còn đang đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ số, 5G … Nhưng nỗ lực của mình doanh nghiệp là không đủ, cần có sự định hướng chiến lược từ cơ chế, chính sách mới có thể tạo nên bứt phá, ông Phạm Anh Đức nói thêm.

Nói về hạn chế của hạ tầng số, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long khẳng định, trong thời gian tới, sẽ có nhiều thay đổi tích cực đến từ mặt cơ chế nhằm đẩy nhanh phát triển lĩnh vực này. Cụ thể, Bộ đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. Trong đó xác định tầm nhìn mục tiêu phát triển hạ tầng số sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các ngành và trở thành động lực phát triển kinh tế.

Các mục tiêu về hạ tầng cũng được đề ra rõ ràng như: phủ sóng băng rộng cố định và di động tới 100% thôn bản; triển khai phủ sóng 5G vào năm 2022; phổ cập smartphone tới 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành; mỗi hộ gia đình có 1 đường cáp quang ….

Hiện tại Việt Nam đang xếp thứ 56 trong Top các quốc gia trên thế giới về phát triển hạ tầng số. Tuy nhiên để đáp ứng được mục tiêu lọt Top 30 các nước dẫn đầu về lĩnh vực này trong vòng 10 năm tới thì cần có sự nỗ lực rất lớn của cả ngành TT&TT.

Cũng trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ sửa đổi Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện và Luật công nghiệp công nghệ số nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp sự phát triển của công nghệ mới như 5G, thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế số phát triển. Với hạ tầng số sẽ chú trọng xây dựng cơ chế chính sách phát triển IoT, các hạ tầng định danh số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và AI đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Đức Long nói.