Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạ tầng xuống cấp tại các khu đô thị: Sớm khắc phục bất cập

Triệu Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, hạ tầng tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Hà Nội đã có dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Nâng cấp hạ tầng trong các khu đô thị, khu nhà ở là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Hà Nội đang thực hiện.

Ngập úng do mưa lớn tại Khu đô thị trên đường Lê Trọng Tấn. Ảnh: Chiến Công
Ngập úng do mưa lớn tại Khu đô thị trên đường Lê Trọng Tấn. Ảnh: Chiến Công

Chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực

Theo báo cáo giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội, TP đang triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2ha trở lên, trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%. Một số khu đô thị, khu nhà ở được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết nhu cầu về nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định; chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Hệ thống chiếu sáng thuộc nhiệm vụ của chủ đầu tư nhưng chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ hoặc hỏng nhưng chậm được sửa chữa.

Nguyên nhân là do phần kết nối nằm trong ranh giới các dự án khác chưa đầu tư xây dựng, chủ đầu tư dự án khu nhà ở và khu đô thị thường xử lý kết nối tạm hoặc chuyển kết nối hướng khác. Một nguyên nhân khác là hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng các khu đô thị đã triển khai xây dựng, dẫn đến tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn thường xuyên xảy ra như khu vực Lê Trọng Tấn, Hòa Lạc...

Đặc biệt, nhiều khu đô thị, khu nhà ở chậm đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, vệ sinh môi trường không bảo đảm; thiếu vườn hoa, cây xanh, trường học, công trình thể thao, dịch vụ công cộng… Các dự án chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch dự án được phê duyệt.

Là quận đang có tốc độ đô thị hóa mạnh với hàng loạt khu đô thị, tòa nhà cao tầng được xây dựng, tuy nhiên theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng, trên địa bàn quận nhiều chủ đầu tư chỉ tập trung xây nhà để bán, chậm thực hiện xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như trường học, công viên cây xanh, bãi đỗ xe…

Đơn cử như dự án Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp, rộng 50ha, được quy hoạch thành quần thể bao gồm hơn 20 nhà cao tầng, hơn 100 nhà biệt thự, nhà vườn, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí, siêu thị, nhà hàng, bệnh viện, trường học, nhà trẻ, trụ sở làm việc...

Không cấp phép với khu đô thị chưa hoàn thiện hạ tầng

Hạ tầng thiếu và yếu đã và đang gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt, trong khu đô thị, khu nhà ở, nhu cầu về hạ tầng của người dân là rất lớn do có mật độ dân cư cao, cần phải có hệ thống công viên, bãi đỗ xe, trường học... Việc giải quyết các vấn đề tồn tại về hạ tầng chính là cách để hoàn thiện cuộc sống của người dân cũng như phát triển các khu vực này. Các bên cần có sự phối hợp, rà soát, kiểm tra các công trình, dự án hạ tầng trong thời gian sớm nhất để khắc phục.

Để giải bài toán khó về quỹ đất xây trường học, nhiều chuyên gia cho rằng, chính quyền TP Hà Nội cần có cơ chế kiểm soát, đánh giá chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện theo đúng quy hoạch của các chủ đầu tư dự án. Kiên quyết thu hồi các dự án thiếu hoặc tìm cách “lách” không xây trường học. Thậm chí, không cấp phép đi vào hoạt động đối với các khu đô thị chưa hoàn thiện công trình hạ tầng xã hội, trong đó có trường học.

Về phía các bên liên quan, chủ đầu tư dự án trong khu đô thị, khu nhà ở cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương để hoàn thiện các dự án, nhanh chóng nâng cấp hạ tầng đang có dấu hiệu xuống cấp, chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng đầu tiên để thu hút cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân… Về các giải pháp cụ thể, lãnh đạo UBND TP cho biết, đã chỉ đạo Sở GD&ĐT rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chỉ tiêu riêng về trường học cho quận Hoàng Mai và một số địa bàn có mật độ dân cư đông đúc.

“Phải điều chỉnh tỷ lệ trường công, trường tư và xem xét đề xuất Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học” - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định. Đồng thời cho biết, chính quyền TP Hà Nội sẽ quyết liệt lập kế hoạch nhằm khắc phục những tồn tại với những giải pháp cụ thể, khả thi, giải quyết hài hòa các lợi ích, nhất là quyền lợi của cộng đồng dân cư.

Trước mắt, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương rà soát, thu hồi các lô đất dự án chậm triển khai để ưu tiên xây trường học, bệnh viện..