Đầu tháng 8/2023, tại khu vực Đèo Đất trên tuyến Quốc lộ 8 thuộc tỉnh Bôlykhăm xay (Lào) xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng. Đất đá, cây cối từ trên núi cao đổ sập xuống đường vùi lấp nhiều xe ô tô, xe khách, phương tiện vận tải, giao thông hoàn toàn bị tê liệt.
Mặc dù sau sự cố thiên tai, các cơ quan, đơn vị của nước bạn Lào đã nỗ lực khắc phục, xử lý sạt lở đất. Tuy nhiên, do khối lượng đất đá sạt lở quá lớn nên đến nay Quốc lộ 8 nối từ tỉnh Boolykhămxay (Lào) về Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn vẫn chưa thể thông tuyến, hoạt động vận tải đang hoàn toàn bị ngưng trệ.
“Trước đây, mỗi tháng tôi chở từ 8- 10 chuyến quặng từ Lào về Việt Nam, lương bình quân 40 triệu đồng/ tháng. Hiện tại đường chưa thông, xe đầu kéo chưa thể chạy nên đời sống, việc làm và thu nhập gặp nhiều khó khăn”, anh Trần Trung Kiên ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn chia sẻ.
Đèo Đất chưa thông tuyến, Quốc lộ 8 nối từ tỉnh Bôlykhăm xay (Lào) về Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn bị tê liệt. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, lái xe chuyên tuyến vận tải Việt- Lào chở quặng, nước giải khát, hàng nông sản phải “nằm chờ” chưa thể hoạt động.
“Nếu chuyển tuyến chạy đường Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo tỉnh Quảng Bình hoặc Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn tỉnh Nghệ An cung đường vận tải sẽ rất xa, phát sinh thêm nhiều chi phí dẫn đến bị lỗ trong kinh doanh. Do vậy, hiện nay chúng tôi đang phải tạm dừng khai thác, tập trung sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện”, đại diện một doanh nghiệp vận tải ở huyện Hương Sơn cho biết.
Thời điểm thuận lợi, hằng ngày xe container, xe đầu kéo lưu thông nườm nượp trên tuyến Quốc lộ 8 qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo sang nước bạn Lào và ngược lại. Tuy nhiên, kể từ sau vụ sạt lở tại Đèo Đất dọc tuyến đường độc đạo này có hàng loạt xe tải cỡ lớn nằm “án binh bất động”. Điều đó cũng đồng nghĩa hoạt động vận tải tuyến Việt- Lào đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức ngoài dự định.
“Thu nhập chính từ nghề lái xe vận tải tuyến Việt- Lào, nhưng đã hơn 1 tháng nay xe không chạy, khiến đời sống, việc làm gặp khó khăn. Qua theo dõi, nắm tình hình thì nhanh nhất cũng phải mất vài tháng sau những điểm sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Đèo Đất mới có thể giải tỏa, thông tuyến, lúc đó các phương tiện vận tải mới có thể hoạt động trở lại bình thường”, anh Trần Văn Hoàn ở thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn cho biết.
Phương tiện vận tải cỡ lớn hoạt động trên tuyến Quốc lộ 8 nối 2 nước Việt Nam- Lào chủ yếu là của các doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và một số tỉnh, TP khác. Đây là cung đường ngắn nhất đến tỉnh Bôlykhăm xay và thủ đô Vientiane (Lào) nên được nhiều doanh nghiệp lựa chọn khai thác, đặc biệt trên lĩnh vực kinh doanh khoáng sản, nước giải khát, hàng nông sản.
“Gần đây nền kinh tế ở nước bạn Lào gặp khó khăn, hoạt động vận tải cũng chịu nhiều ảnh hưởng, nhất là kể từ khi xảy ra sạt lở đất. Địa phương đã thành lập đoàn sang Lào thăm hỏi, động viên các cấp chính quyền, các bản làng kết nghĩa và có nhiều hoạt động chia sẻ với các doanh nghiệp vận tải, người lao động trên địa bàn chịu ảnh hưởng do sạt lở đất tại Lào”, ông Trần Bình Thân- Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn thông tin.