Hà Tĩnh: Nghề biển, lắm rủi ro mùa giông bão

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mùa này trên biển thường xuất hiện giông lốc, nhưng lại là thời điểm nguồn lợi thủy sản dồi dào, dễ đánh bắt. Dù phải đối mặt với nhiều gian khó, hiểm nguy, song ngư dân Hà Tĩnh vẫn kiên cường bám biểm, bám ngư trường.

Ngư dân vùng biển Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên vươn khơi đánh bắt thủy sản.
Ngư dân vùng biển Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên vươn khơi đánh bắt thủy sản.

Nghề đi biển sớm tối lênh đênh cùng sóng nước. Những lúc biển lặng, sóng êm, tôm cá đầy ắp khoang thuyền đã mang đến nhiều niềm vui cho ngư dân. Vậy nhưng, cũng có khi biển khơi dậy sóng, ngư dân phải đương đầu với những gian khó, hiểm nguy, bởi “sinh nghề, tử nghiệp”.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và ngư dân cứu hộ tàu cá bị sóng đánh chìm trên vùng biển Cửa Sót, huyện Lộc Hà.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và ngư dân cứu hộ tàu cá bị sóng đánh chìm trên vùng biển Cửa Sót, huyện Lộc Hà.

Hàng chục năm gắn bó với nghề đi biển, anh Trần Minh Đức (SN 1975) ở xã Thạch Kim huyện Lộc Hà vẫn chưa hết bàng hoàng giây phút tàu tàu cá HT-20599 TS, công suất 90CV bị sóng đánh chìm trên biển.

Anh Đức kể lại, sáng ngày 9/6/2023 khi thuyền đánh cá của anh và người con trai là Trần Minh Quân (SN 2004) đánh bắt trên vùng biển giáp ranh giữa huyện Lộc Hà và huyện Nghi Xuân thì bất ngờ giông lốc xuất hiện, sau đó thuyền bị sóng đánh chìm.

Ngư dân Trần Minh Đức ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà kể lại giây phút tàu cá bị sóng đánh chìm trên biển.
Ngư dân Trần Minh Đức ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà kể lại giây phút tàu cá bị sóng đánh chìm trên biển.

“Sau nhiều giờ vật lộn trên biển, cha con tôi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Sót cùng ngư dân phát hiện, ứng cứu, đưa người và lai dắt tàu cá vào bờ an toàn. Từ đó đến nay, tôi luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là chủ động phòng ngừa giông lốc để tiếp tục bám biển mưu sinh, nuôi sống gia đình” - anh Trần Minh Đức chia sẻ.

Giông lốc trên biển thường xảy ra bất ngờ, bị động, nhất là những lúc tiết trời giao mùa. Thực tế cho thấy, tại vùng biển Hà Tĩnh đã từng xảy ra nhiều vụ tàu thuyền đánh cá của ngư dân bị sóng đánh chìm, hoặc lật thuyền trên biển, gây thương vong về người.

Tuy nhiên, theo quan niệm của ngư dân thì dịp trước và sau mỗi đợt bão tố, giông lốc sản lượng đánh bắt (nhất là nghề câu, lưới rê, lưới vây.. ) đạt cao hơn so với ngày thường. Vì vậy, nhiều người vẫn vượt sóng vươn khơi khai thác thủy hải sản, mặc dù rất dễ gặp tai nạn rủi ro khó lường trên biển.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh kịp thời ứng cứu ngư dân xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh khi tàu cá bị sóng đánh chìm.
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh kịp thời ứng cứu ngư dân xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh khi tàu cá bị sóng đánh chìm.

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Hồ Văn Hạ - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Sót cho biết, năm 2022 đơn vị đã phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn 14 thuyền/ 45 ngư dân gặp nạn trên biển; năm 2023 tiếp tục cứu hộ, cứu nạn thành công 2 thuyền/ 3 ngư dân vào bờ an toàn.

“Mùa giông bão, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn rủi ro trên biển. Nắm bắt diễn biến thời tiết, lịch trình di chuyển của tàu thuyền, duy trì thông tin liên lạc, động viên ngư đi theo tổ, đội khai thác để sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu lẫn nhau và kịp thời báo cho lực lượng Bộ đội Biên phòng khi cần thiết” - Thiếu tá Hồ Văn Hạ cho biết thêm.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Sót tuyên truyền, động viên ngư dân bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Sót tuyên truyền, động viên ngư dân bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hà Tĩnh có 137 km bờ biển kéo dài từ Cửa Hội đến Đèo Ngang. Ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản dồi dào. Đó là những điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế biển, ổn định đời sống cho hàng vạn ngư dân. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế thì biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hiện tượng giông lốc xẩy ra bất thường trở thành những rào cản không hề nhỏ đối với ngư dân mỗi lần vươn khơi đánh bắt thủy sản.

“Toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 3.000 tàu thuyền đánh bắt thủy sản. Trong đó, tàu thuyền công suất nhỏ chiếm tỷ lệ cao, rất khó chống chịu với sức gió từ cấp 6, cấp 7 trở lên. Ngành thủy sản thường xuyên tuyên truyền ngư dân theo dõi thời tiết, trang bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, các thuyền giữa khoảng cách hợp lý, đảm bảo thông tin liên lạc để khi chẳng may xảy ra sự cố trên biển có thể ứng cứu kịp thời” - đại diện Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết.

Mùa giông lốc thường xảy ra những tai nạn rủi ro trên biển. Vì vậy ngư dân cần chủ động các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn trong khai thác thủy sản.
Mùa giông lốc thường xảy ra những tai nạn rủi ro trên biển. Vì vậy ngư dân cần chủ động các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn trong khai thác thủy sản.

Nghề biển mùa giông bão thường phải đương đầu với những khó khăn, thách thức và cả những hiểm nguy khó lường. Song bằng kinh nghiệm và khát vọng làm giàu từ biển, ngày lại ngày hàng vạn ngư dân Hà Tĩnh vẫn hồ hởi giương  cờ Tổ quốc lên cao, rẽ sóng vươn khơi đánh bắt thủy sản, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng.