Dịp đầu tháng 6 đến tháng 8 Âm lịch, vùng rừng núi ở Hà Tĩnh các loài ong tự nhiên sinh trưởng, phát triển nhiều. Trong đó chủ yếu là các loài như: ong mật, ong đất, ong vò vẽ, ong vàng (người bản địa thường gọi là ong nghệ)… làm tổ ở khắp các lùm cây, vách đá. Các loài ong phát triển, điều đó cho thấy môi trường sinh thái sẽ trở nên cân bằng, nếu không có sự tác động của con người vào tự nhiên.
Trước đây, khi các loài ong tự nhiên chưa có giá trị cao về kinh tế thì việc săn ong chủ yếu là của trẻ em ở vùng quê nông thôn. Còn hiện nay, nghề săn ong là công việc chính của nhiều người lớn lúc nông nhàn, bởi mỗi chuyến đi rừng nếu may mắn gặp được nhiều tổ ong thì có thể thu nhập tiền triệu/ ngày. Đó là chưa kể đến một số người khi phát hiện tổ ong còn non đã lấy về ương dưỡng để đảm bảo nguồn thu nhập sau này.
Sau nhiều năm gắn bó với nghề săn ong, anh Nguyễn Thanh Hải ở xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) thấu hiểu hơn ai hết về đặc tính cũng như khu vực ong tự nhiên thường hay làm tổ. Anh cho biết, theo kinh nghiệm dân gian năm nào ong làm tổ dưới thấp hoặc bên trong vách đá thì hay xảy ra mưa bão, còn làm tổ trên cây cao thì năm đó thời tiết sẽ thuận lợi hơn. Phương tiện, dụng cụ săn ong chỉ cần trang bị áo bảo hộ là có thể lấy được tất cả các loài ong mà không cần sử dụng đến lửa và cũng không sợ ong tấn công.
“Ong mật có giá trị kinh tế cao nhưng vì người săn lùng nhiều nên rất khan hiếm, thỉnh thoảng mới lấy được vài tổ. Hiện nay, tôi và mọi người chủ yếu đi lấy ong đất, ong vò vẽ, ong vàng. Trong đó, riêng tổ ong vàng (sáp ong) giá bán giao động từ 1,6-2 triệu đồng/kg, nhộng ong bán từ 200-250 nghìn đồng/ kg. Nghề săn ong chỉ bỏ công làm lãi, dự kiến mùa này tôi sẽ có thu nhập khoảng hơn 35 triệu đồng”, anh Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Nghề săn ong tự nhiên lên ngôi đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân vùng núi tỉnh Hà Tĩnh. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay tổ ong (sáp ong), nhộng ong lấy từ rừng đều được thương lái đến tận nơi thu mua để đưa ra các tỉnh phía Bắc hoặc sang Trung Quốc tiêu thụ.
“Địa phương thường xuyên tuyên truyền, quán triệt người làm nghề săn ong thực hiện các quy định về phòng, chống cháy rừng. Các nhóm người săn bắt ong ở khu vực biên giới Việt- Lào, trong các khu rừng tự nhiên phải được sự cho phép của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Vườn Quốc gia Vũ Quang và các cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh, an toàn khi vào rừng”, ông Nguyễn Hùng Cường- Chủ tịch UBND xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang cho biết.
Hiện nay, chưa thể thống kê ở khu vực vùng núi tỉnh Hà Tĩnh có bao nhiêu người chuyên làm nghề vào rừng săn ong tự nhiên. Chỉ biết rằng, khi các sản phẩm từ con ong được các thương lái đội giá lên cao thì có rất nhiều người làm nghề kiếm thêm thu nhập. Mật ong, sáp ong được cho là nguồn dược liệu quý, nhộng ong trở thành món ăn ưa thích thì dĩ nhiên ong rừng sẽ bị săn lùng ngày một ráo riết hơn.
“Nghề săn ong tự nhiên đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người dân vùng rừng núi. Tuy nhiên, mùa nắng nóng nếu sử dụng lửa đốt ong thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường và một số hệ lụy khác. Hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể về cấm săn bắt ong tự nhiên, nhưng mùa nắng nóng thì việc ngăn cấm sử dụng lửa trong rừng tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định”, một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thông tin.
Thực tế cho thấy rằng, nghề săn ong lên ngôi dù ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến cân bằng hệ sinh thái rừng và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng khó kiểm soát. Đó là chưa kể đến ở một số nơi thợ săn đã bị ong tấn công gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc xảy ra những vụ tai nạn do bất cẩn khi leo trèo lên cây cao để lấy ong.
Năm nay, ong rừng tự nhiên được mùa, được giá. Vậy nhưng, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, người làm nghề săn ong ở vùng rừng núi tỉnh Hà Tĩnh cần nâng cao ý thức phòng ngừa hỏa hoạn, đảm bảo an toàn trong khai thác nguồn lợi kinh tế từ tự nhiên.