Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: ứng phó với sự cố mất an toàn các tuyến đê ven biển

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, vùng biển tỉnh Hà Tĩnh liên tục có sóng to, biển động mạnh, gây sạt lở, sụt lún một số tuyến đê xung yếu. Trước tình hình đó, các địa phương đang chủ động triển khai nhiều phương án ứng phó, bảo vệ an toàn cho các tuyến đê.

Chính quyền huyện Lộc Hà và các lực lượng chức năng tập trung xử lý, khắc phục sụt lún, hư hỏng tại tuyến đê biển xã Thịnh Lộc
Chính quyền huyện Lộc Hà và các lực lượng chức năng tập trung xử lý, khắc phục sụt lún, hư hỏng tại tuyến đê biển xã Thịnh Lộc

Ngày 29/10, sóng biển đánh mạnh khiến tuyến đê biển tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà bị sạt lở, xói lộng mái kè với chiều dài khoảng hơn 50m, rộng từ 8-10m. Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng cùng với người dân đã sử dụng hơn 300 bao tải cát kịp thời gia cố, khắc phục mái kè bị sạt lở.

Việc xử lý, khắc phục sụt lún, hư hỏng tại tuyến đê biển xã Thịnh Lộc được gia cố bằng bao tải cát, không cho điểm sạt lở lan rộng
Việc xử lý, khắc phục sụt lún, hư hỏng tại tuyến đê biển xã Thịnh Lộc được gia cố bằng bao tải cát, không cho điểm sạt lở lan rộng
Cát được tập kết đến hiện trường để xử lý sụt lún một cách nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo an toàn cho tuyến đê xung yếu
Cát được tập kết đến hiện trường để xử lý sụt lún một cách nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo an toàn cho tuyến đê xung yếu

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc Lê Doãn Khánh cho biết, tuyến đê biển với chiều dài khoảng 8km, bảo vệ an toàn cho 3.000 hộ dân sinh sống dọc bờ biển. Việc gia cố, khắc phục sạt lở là giải pháp trước mắt, góp phần đảm bảo an toàn cho tuyến đê xung yếu, phòng ngừa nước biển xâm thực khi mưa bão xảy ra.

“Nguyên nhân mái kè bị sạt lở, xói lộng là do sóng biển đánh mạnh, dòng chảy Lạch Kèn thay đổi ăn sâu vào phần đất xã Thịnh Lộc. Hiện tại, huyện Lộc Hà và các cơ quan chuyên môn đã tiến hành kiểm tra, lập phương án khắc phục, xử lý kiên cố đảm bảo bền vững cho tuyến đê xung yếu”, ông Lê Doãn Khánh thông tin.

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 vùng biển Hà Tĩnh có có cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 vùng biển Hà Tĩnh có có cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh

Những ngày qua do ảnh hưởng, tác động của hoàn lưu bão số 6, hơn 300m kè chắn sóng đảm bảo an toàn cho 20 hộ kinh doanh mực nhảy Vũng Áng ở thôn Hải Phong 2, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh đã bị sóng đánh sạt lở, hư hỏng nặng. Nhiều lồng bè chứa hải sản và hệ thống cầu thang lên xuống của các nhà nổi đã bị sóng phá hỏng hoàn toàn, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Hơn 300m kè chắn sóng đảm bảo an toàn cho 20 hộ kinh doanh mực nhảy Vũng Áng đã bị sóng đánh sạt lở, hư hỏng nặng
Hơn 300m kè chắn sóng đảm bảo an toàn cho 20 hộ kinh doanh mực nhảy Vũng Áng đã bị sóng đánh sạt lở, hư hỏng nặng

“Tuyến kè do các hộ kinh doanh tự đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng vào năm 2018 sau khi di dời từ địa điểm cũ sang địa điểm mới ở khu vực đền Eo Bạch, xã Kỳ Lợi. Khi có sự cố xảy ra, chúng tôi tập trung neo giằng nhà hàng, lồng bè, chờ thời tiết thuận lợi sẽ tính toán phương án khắc phục, ổn định kinh doanh trở lại”, ông Chu Văn Hậu ở xã Kỳ Lợi chia sẻ.

Sóng đánh mạnh, triều cường dâng lên đã gây hư hỏng một số công trình hạ tầng vùng ven biển Hà Tĩnh 
Sóng đánh mạnh, triều cường dâng lên đã gây hư hỏng một số công trình hạ tầng vùng ven biển Hà Tĩnh 

Thống kê sơ bộ, tỉnh Hà Tĩnh có 316km đê biển, trong đó có 270km đã được nâng cấp, xây dựng kè đá kiên cố, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng, tác động của thời tiết, mưa bão, một số tuyến đê xung yếu đã bị hư hỏng, xuống cấp, mái kè xuất hiện sạt lở, sụt lún, không đảm bảo an toàn khi cường độ gió bão tăng cao.

Việc xử lý, khắc phục sụt lún, hư hỏng các tuyến đê kè xung ven biển yếu góp phần đảm bảo an toàn, phòng ngừa thiệt hại cho người dân khi mưa bão xảy ra
Việc xử lý, khắc phục sụt lún, hư hỏng các tuyến đê kè xung ven biển yếu góp phần đảm bảo an toàn, phòng ngừa thiệt hại cho người dân khi mưa bão xảy ra

“Hiện nay, các vị trí mái kè dọc bờ biển bị sụt lún, hư hỏng cục bộ do mưa bão đã được các địa phương, đơn vị tập trung xử lý kịp thời bằng bao tải cát, rọ đá, đá hộc, không cho sạt lở lan rộng. Chúng tôi tiếp tục theo dõi, nắm tình hình các tuyến đê kè dọc bờ biển để có phương án huy động lực lượng, phương tiện xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão”, ông Trần Đức Thịnh- Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh thông tin.