Những ngày qua, ảnh hưởng của không khí lạnh vùng biển Hà Tĩnh có gió Đông Bắc cấp 6, có lúc cấp 7 giật cấp 8, biển động mạnh. Để đảm bảo an toàn hầu hết ngư dân đều chủ động đưa tàu thuyền về nơi neo đậu, tránh trú, không vươn khơi bám biển.
“Không khí lạnh tràn về là thời điểm nguồn lợi thủy sản dồi dào, dễ đánh bắt. Tuy nhiên, biển động lại rất nguy hiểm cho các tàu thuyền, nhất là tàu thuyền công suất nhỏ. Do vậy, để đảm bảo an toàn chúng tôi đã đưa thuyền về bờ trú ẩn, chờ thời tiết thuận lợi mới tiếp tục vươn khơi đánh bắt”, ngư dân Nguyễn Văn Tâm ở thị trấn Lộc Hà chia sẻ.
Nghề đi biển, ngư dân luôn phải đương đầu với gian khó, hiểm nguy, sớm tối lênh đênh cùng sóng nước. Những ngày qua, vùng biển Hà Tĩnh xảy ra giông lốc, biển động mạnh, tại thị xã Kỳ Anh có 2 vợ chồng ngư dân mất tích trên biển, việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Giông lốc trên biển có thể gây lật thuyền, chìm thuyền và nhiều sự cố rủi ro khác. Thực tế cho thấy, hằng năm ở Hà Tĩnh đã từng xảy ra nhiều vụ lật thuyền, chìm thuyền, làm một số ngư dân thương vong. Tuy nhiên, vì mưu sinh nên các ngư dân vẫn nỗ lực, cố gắng vươn khơi đánh bắt thủy sản trong điều kiện thời tiết cực đoan, thiên tai xảy ra bất thường.
“Đơn vị thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo ngư dân chủ động phòng ngừa các sự cố thiên tai trên biển. Theo dõi, giữ liên lạc với chủ phương tiện và các thuyền viên, xác định rõ vị trí đánh bắt trên biển để khi cần là có thể triển khai các phương án ứng cứu kịp thời, hiệu quả”, Trung tá Lê Hữu Đồng- Phó đồn Trưởng Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót thông tin.
Hà Tĩnh có 137 km bờ biển kéo dài từ Cửa Hội đến Đèo Ngang. Ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản dồi dào. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hiện tượng giông lốc xảy ra bất thường trở thành những rào cản không hề nhỏ đối với ngư dân mỗi lần vươn khơi đánh bắt thủy sản.
Trao đổi với phóng viên, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh cho biết, ngày 19/3/2024 đơn vị đã ban hành văn bản về việc hỗ trợ tìm kiếm 2 vợ chồng ngư dân mất tích trên vùng biển xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh. Hiện nay, công tác tổ chức tìm kiếm đang được các địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện.
“Thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rủi ro đáng tiếc. Trong khi đó, một bộ phận ngư dân vẫn còn chủ quan, do vậy đơn vị tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo sâu rộng các phương án phòng ngừa tai nạn trên biển; yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, nếu không đảm bảo an toàn thì không vươn khơi đánh bắt”, ông Trần Đức Thịnh thông tin.
Sau mỗi lần xảy ra giông lốc, biển Hà Tĩnh lại hiền hòa, dịu êm, hàng vạn ngư dân tiếp tục hồ hởi dương cờ Tổ quốc lên cao, rẽ sóng vươn khơi đánh bắt thủy sản. Khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho ngư dân là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.