Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Về nơi “thủ phủ” dó trầm Phúc Trạch

Thanh Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ công việc trồng cây dó trầm nhiều hộ dân tại xã Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) không những thoát nghèo mà còn được mệnh danh là vùng quê của những “tỷ phú hương trầm”.

Xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) được mệnh danh là thủ phủ của cây dó trầm. Ở đây, hầu như 100% diện tích đất vườn rừng, trang trại đều đã được phủ kín bởi loại cây này, nó đã trở thành thương hệu hàng hóa cũng như mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân trong vùng.
Toàn bộ thân, rễ, lá của cây dó trầm đều được sử dụng để tạo nên những sản phẩm riêng biệt như làm nhang, vòng đeo tay, đồ mỹ nghệ,… Trên thị trường hiện nay, gỗ dó trầm được ưa chuộng và có giá thành rất cao. Đặc biệt, những cây dó trầm tự nhiên còn có giá lên đến hàng trăm triệu đồng.
Dó trầm là cây gỗ lớn, có chiều cao trung bình từ 15 - 25m, vỏ cây nhẵn có màu xám, thịt gỗ có màu vàng nhạt, lá của chúng có hình bầu dục, hình trứng hoặc hình ngọn giáo. Cây có tuổi từ 4 - 5 năm sẽ bắt đầu ra hoa kết trái.
Ông Lê Văn Thọ (57 tuổi, xã Phúc Trạch) - một người đã hơn 20 năm trồng dó trầm cho biết, không phải cây dó trầm nào cũng có thể tạo ra trầm hương, khối lượng trầm tự nhiên không thể nào đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trầm hương nhân tạo được tạo ra nhờ những vết thương trên cây dó trầm, cây sẽ tiết ra nhựa và tinh dầu để làm lành vết thương, lâu dần chúng tích tụ lại tạo ra trầm.
Cây dó trầm phải trải qua một khoảng thời gian khá dài (từ 10 năm trở lên) mới có thể khai thác được. Ở xã Phúc Trạch, để có thể tạo ra trầm nhân tạo, người dân thường dùng khoan hoặc thanh sắt nhọn đục những lỗ thủng trên cây, sau đó vi khuẩn và nấm sẽ dễ dàng xâm nhập vào.
''Cây càng lâu năm thì chất lượng trầm càng tốt, mỗi kg gỗ dó trầm thành phẩm có giá dao động từ 3 - 15 triệu đồng, những cây có trầm đặc biệt lâu năm lên đến 30 triệu đồng/kg hoặc hơn. Loại trầm được ưa chuộng và giá cao nhất là trầm được tạo nên bằng cách tự nhiên, trên 30 năm tuổi, nhưng không phải cây dó trầm lâu năm nào cũng cho trầm'' - ông Thọ cho biết.
Dó trầm phát triển tự nhiên, ít rủi ro, nhưng khi cây còn nhỏ thường dễ bị bệnh nấm, việc này ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng và tạo trầm của cây. Các chủ vườn cần ra thăm cây thường xuyên, khi phát hiện cây bị bệnh phải phun thuốc diệt.
Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: ''Hiện tại tất cả các hộ dân trong xã đều trồng cây gió trầm (trên 1.700 hộ), với diện tích trên 300ha. Cây dó trầm là một trong những loại cây kinh tế chính của địa phương, nhờ có loại cây này mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm đi rõ rệt''.
Nghề chế tác trầm hương Phúc Trạch cũng được khách hàng trên cả nước biết đến nhờ những sản phẩm mang phong cách riêng, mùi hương đặc biệt.
Cây dó trầm mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân xã Phúc Trạch, vì vậy nhiều người gọi đây là vùng quê của những ''tỷ phú hương trầm''.