Hà Tĩnh: vượt nắng, canh lửa, giữ rừng
Kinhtedothi - Đợt cao điểm nắng nóng gay gắt, các chủ rừng ở tỉnh Hà Tĩnh luân phiên duy trì trực gác trên những chòi canh lửa. Mặc dù công việc khá vất vả, nhưng mọi người đều nỗ lực, quyết tâm canh lửa, giữ màu xanh cho những cánh rừng.

Mùa cao điểm nắng nóng, công tác phòng cháy tại những rừng thông được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng.
Mùa cao điểm nắng nóng, tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm và các địa phương, đơn vị chủ rừng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đảm bảo an toàn trong mùa nắng nóng.

Công tác trực gác tại các chòi canh lửa được duy trì 24/24h trong mùa nắng nóng.

Anh Trần Quốc Sơn thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh làm nhiệm vụ trực gác trên
chòi canh lửa.
Tiếp xúc với phóng viên, anh Trần Quốc Sơn thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết, đơn vị hiện quản lý gần 10.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trải dài trên địa bàn 19 xã, phường thuộc các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà và Thị xã Hồng Lĩnh. Đặc thù địa hình đồi núi dốc, rừng chủ yếu là cây thông nhựa thuần loài ở gần các khu đông dân cư nên nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn tiềm ẩn.
“Đợt cao điểm nắng nóng, mỗi chòi canh lửa có 2 người thay phiên nhau trực gác 24/24h. Vào ca trực, tất cả đều nêu cao tinh thần, trách nhiệm, vượt qua nắng gió để quan sát mọi diễn biến của rừng. Nếu phát hiện điểm phát lửa, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện dập tắt kịp thời” - anh Trần Quốc Sơn chia sẻ.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 23 chòi canh lửa, đảm bảo các điều kiện quan sát từng khu rừng.
Tùy vào điều kiện của từng khu rừng, chòi canh lửa thường được xây dựng cao khoảng 25m, rộng 4m2 đủ cho từ 1 - 2 người trực gác. Vị trí xây dựng chòi canh đảm bảo các điều kiện quan sát từng khu rừng, giúp cho việc phát hiện, dập tắt đám cháy nhanh chóng, thuận lợi.
“Tại các chòi canh lửa đều bố trí tổ trực gác, phân công nhiệm vụ cụ thể trong bảo vệ rừng, PCCCR, không để xảy ra bất ngờ, bị động. Trực gác tại các chòi canh lửa là nhiệm vụ hết sức quan trọng, do vậy đơn vị thường xuyên động viên cán bộ, nhân viên khắc phục khó khăn, chủ động phòng ngừa cháy rừng kịp thời, hiệu quả” - Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh Nguyễn Phi Quỳnh thông tin.

Hệ thống camera giám sát góp phần phát hiện sớm các điểm phát lửa, đây là bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số của ngành Lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 120.000 ha rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy. Trong rừng có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, hồ đập, khe suối… thu hút rất đông người dân, du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng vào mùa nắng nóng.
“Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 23 chòi canh lửa, 22 camera giám sát chuyên dụng. Việc trực gác tại các chòi canh lửa và qua hệ thống camera góp phần phát hiện sớm các điểm phát lửa để huy động lực lượng, phương tiện dập lửa kịp thời, không cho đám cháy bùng phát, lan ra diện rộng” - đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh thông tin.

Hà Nam huy động lực lượng khẩn cấp ngăn cháy rừng lan rộng
Kinhtedothi - Tối 16/4, lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam đang khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn đám cháy rừng lan từ tỉnh Hòa Bình sang địa bàn phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng.

Hà Tĩnh: lập chốt kiểm soát người ra, vào khu vực rừng trọng điểm, dễ cháy
Kinhtedothi - Nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao, tỉnh Hà Tĩnh đã lập các chốt kiểm soát người ra, vào khu vực rừng trọng điểm, dễ cháy.

Hà Tĩnh: cận cảnh voi châu Á tại Vườn Quốc gia Vũ Quang
Kinhtedothi - Thông qua bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã ghi nhận các cá thể voi châu Á và nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.