Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạ viện bác dự luật ngân sách mới, Chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một dự luật mới về ngân sách do đảng Cộng hòa đề xuất đã không được Hạ viện Mỹ biểu quyết thông qua, khiến chính phủ nước này đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Với 174 phiếu thuận và 235 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 19/12 đã bác bỏ dự luật ngân sách mới được các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đề xuất.

Dự luật đầu tiên, được lưỡng đảng nhất trí, bị chặn lại trước sức ép của Tổng thống đắc cử Donald Trump và tỷ phú Elon Musk. Động thái trên vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nghị sĩ đảng Dân chủ, khi cho rằng đây chỉ là "bình phong" cho kế hoạch cắt giảm thuế. Điều này phần lớn chỉ có lợi cho những người giàu có như ông Elon Musk trong khi khiến đất nước gánh thêm hàng nghìn tỷ USD nợ công.

Một số thành viên đảng Cộng hòa cũng chỉ trích dự luật với lo ngại nó sẽ mở đường cho nhiều khoản nợ hơn của chính phủ, trong khi không có sự cắt giảm các hoạt động chi tiêu.

Tòa nhà quốc hội Mỹ tại đồi Capitol ở thủ đô Washington DC. Ảnh: EPA
Tòa nhà quốc hội Mỹ tại đồi Capitol ở thủ đô Washington DC. Ảnh: EPA

Dự luật ngân sách mới sẽ tài trợ các hoạt động của Chính phủ Mỹ đến ngày 14/3 năm sau, thời điểm ông Trump chính thức đảm nhận nhiệm kỳ mới tại Nhà Trắng và đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội.

Điểm đáng chú ý của dự luật mới này là đề xuất đình chỉ giới hạn nợ công thêm 2 năm - thứ mà Tổng thống đắc cử Trump đặc biệt quan tâm. Điều này có thể giúp chính quyền mới thông qua các khoản cắt giảm thuế mạnh mẽ mà ông Trump đã cam kết, dù nó cũng khiến khoản nợ 36 nghìn tỷ USD của chính phủ liên bang có nguy cơ tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, dự luật sẽ trích 100 tỷ USD tiền ngân sách liên bang để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và 10 tỷ USD hỗ trợ nông nghiệp. Cùng với đó, thời gian triển khai các chương trình thúc đẩy nông nghiệp và lương thực sắp hết hạn vào cuối năm nay cũng sẽ được kéo dài.

Tuy nhiên, dự luật mới không bao gồm các yếu tố khác nêu trong dự luật ban đầu, chẳng hạn như tăng lương cho các nhà lập pháp và các quy định mới cho người quản lý lợi ích dược phẩm.

Nhiều hệ quả nếu chính phủ Mỹ đóng cửa

Bất chấp sự hậu thuẫn của Tổng thống đắc cử Trump, 38 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đứng cùng phe với hầu hết nghị sĩ đảng Dân chủ trong việc biểu quyết phản đối dự luật mới tại Hạ viện. Trong khi đó, chỉ có 2 trong số các nghị sĩ phe Dân chủ bỏ phiếu tán thành với đa số các thành viên phe Cộng hòa.

Theo báo Financial Times, lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ cần làm việc nhanh chóng để dự luật được thông qua, trước khi đệ trình cho Tổng thống Joe Biden ký duyệt trong ngày 20/12, sau khi các nhà lập pháp tạm dừng thảo luận vào tối 19/12.

Nếu quá thời hạn trên, Chính phủ Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ đóng cửa toàn bộ hoặc một phần do không còn đủ ngân sách hoạt động từ ngày 21/12.

Khi chính phủ đóng cửa, nhiều dịch vụ công sẽ bị tạm dừng hoặc chậm trễ, gây xáo trộn cuộc sống thường ngày, chẳng hạn như: An ninh hàng không thiếu hụt; chuyến bay chậm tăng lên; tòa án di trú có thể đóng cửa; kiểm tra an toàn thực phẩm bị gián đoạn; xây dựng công trình giao thông đình trệ. Chỉ các hoạt động thanh toán an sinh xã hội và dịch vụ bưu điện có thể hoạt động bình thường.

Hàng triệu nhân viên liên bang và quân nhân sẽ không được trả lương cho đến khi lệnh đóng cửa kết thúc. Nhân viên "thiết yếu" vẫn làm việc, trong khi nhân viên không thiết yếu bị cho nghỉ phép. Trong khi đó, các nhà thầu chính phủ còn phải đối mặt tình trạng tồi tệ hơn, khi chỉ nhận tiền nếu chính phủ mở cửa trở lại.

Việc đóng cửa còn có thể gây ra hậu quả kinh tế sâu rộng, cản trở tăng trưởng, gây bất ổn, tăng tỷ lệ thất nghiệp và tạm dừng các chương trình cho vay, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ. Mỗi tuần chính phủ nước này đóng cửa ước tính có thể gây thiệt hại tới 6 tỷ USD. 

Ngoài ra, với việc cơ quan Thống kê lao động ngừng công bố dữ liệu, chẳng hạn như các số liệu chính về lạm phát và thất nghiệp, Cục Dự trữ liên bang (FED) và các nhà đầu sẽ tư gặp khó khăn trong việc nắm được tình hình và đưa ra những quyết định gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.