Hai bà “đầm thép” bàn về “cuộc ly hôn” văn minh

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ủng hộ quyết định của người đồng cấp Theresa May cho rằng, năm  2017 mới là thời điểm thích hợp để bắt đầu quá trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Đây là lần đầu tiên bà Theresa May gặp người đồng cấp Đức trên cương vị Thủ tướng Anh. Cuộc gặp vốn được dự đoán là vô cùng thú vị bởi hai nữ nguyên thủ vốn nổi tiếng với phong cách lãnh đạo cứng rắn nhưng cũng không kém phần linh hoạt và bất ngờ. Tại đây, Thủ tướng Theresa May cho biết, bà sẽ không ngay lập tức kích hoạt Điều luật 50 của Hiệp ước Lisbon để hoàn tất Anh rời khỏi EU (Brexit). Quá trình này sẽ diễn ra  sớm nhất vào năm 2017.
Hai phụ nữ quyền lực nhất châu Âu đã có cuộc hội đàm lịch sử tại Berlin (Đức).
Hai phụ nữ quyền lực nhất châu Âu đã có cuộc hội đàm lịch sử tại Berlin (Đức).
Khác với các giới chức châu Âu luôn thúc giục Anh trong vấn đề này, bà Angela Merkel luôn duy trì quan điểm lộ trình Brexit phải diễn ra “chuyên nghiệp” và “có thời gian” xem xét lợi hại. Do đó, đáp lại quan điểm trên, Thủ tướng Đức bày tỏ sự ủng hộ và cảm thông cho quyết sách của bà Theresa May, đồng thời khẳng định Berlin sẽ lắng nghe những nguyện vọng của Anh trước khi có lộ trình cụ thể cho “cuộc ly hôn” này. Bà Merkel cũng đánh trúng vào tâm lý Thủ tướng Anh khi đề xuất một thỏa thuận kết hợp tự do thương mại với chính sách nhập cư, điều bà Theresa May đang gặp áp lực giải quyết.

Tuy vậy, Thủ tướng Đức vẫn nhấn mạnh, luật pháp EU không cho phép các đàm phán bắt đầu cho tới khi điều luật 50 được đưa ra. “Một tiến trình đàm phán tốt, khéo léo và hiệu quả là điều tất cả chúng ta đều mong muốn. Do đó chúng ta sẽ chờ đợi cho tới lúc Anh đưa ra điều luật này” - bà Merkel nói. “Suy cho cùng, nếu Anh xác định được lộ trình Brexit cụ thể, rõ ràng cũng như mối quan hệ tương lai với châu Âu, đó là lợi ích tất cả chúng ta”, theo “bà đầm thép” của Berlin. Các nhà phân tích nhận định, trong những đàm phán tiếp theo, đầu tàu châu Âu - Đức sẽ là bên nắm cán cân tỷ trọng lớn hơn bởi với quyết định rời EU, tiếng nói của Anh trong khối này đã phai nhạt phần nào.

London không nóng vội trong vấn đề Brexit. Áp lực gần đây nhất của Anh là, hậu Brexit, nước này khó có thể tiếp cận thị trường EU màu mỡ nếu không chấp nhận làn sóng người lao động ngoại quốc. Nước Anh từ trước tới nay không cởi mở trong vấn đề người di cư. Do đó, đây sẽ là vấn đề cốt yếu trong các đàm phán Brexit sắp tới mà bà Theresa May cần thời gian để tìm phương án có lợi nhất cho Anh. Trong khi đó, EU cũng cần thời gian để xem xét vớt vát được gì trong "đống đổ nát" khi mất mắt xích lớn này. “Một khoảng lặng” là cần thiết cho cả EU và Anh để tiếp cận và hoàn tất Brexit một cách hiệu quả. Hơn thế nữa, một “cuộc ly hôn” dù là trong đời sống hay giữa hai quốc gia cũng đều cần thời gian và cách hành xử văn minh từ cả hai phía để bảo toàn lợi ích của mỗi bên. Đó cũng là tinh thần mà bà Angela Merkel nắm giữ trong cuộc gặp lịch sử với tân Thủ tướng Anh.