Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai đồ án quy hoạch - nhiệm vụ quan trọng định hướng phát triển Thủ đô

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội thống nhất 2 đồ án quy hoạch là 2 nhiệm vụ quy hoạch rất quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô cả trước mắt và lâu dài...

Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Hai đồ án quy hoạch hoàn thành khối lượng công việc rất lớn

Trong phát biểu của mình, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) đánh giá cao về tư vấn và các cơ quan có liên quan đến Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành, trình Quốc hội cho ý kiến để phê duyệt theo luật định. 

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) đánh giá cao về tư vấn và các cơ quan có liên quan đến Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) đánh giá cao về tư vấn và các cơ quan có liên quan đến Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn

Về sự cần thiết lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, cần thiết phải lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung như Tờ trình số 341 và 342 của Chính phủ. Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật quy hoạch, việc lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch. 

“Về thẩm quyền của Quốc hội, căn cứ khoản 2 Điều 34 Luật Quy hoạch và khoản 2 Điều 8 Luật Thủ đô, việc Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh quy hoạch chung là phù hợp với pháp luật” - đại biểu Trần Văn Tiến nêu quan điểm.

Đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, theo đại biểu Trần Văn Tiến, qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy đảm bảo theo Quyết định số 313 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô và theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Về sự phù hợp của quy hoạch với nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, nghiên cứu hồ sơ Quy hoạch Thủ đô cho thấy cơ bản phù hợp với nhiệm vụ tại Quyết định số 313 của Thủ tướng Chính phủ, như về tên, thời kỳ quy hoạch, quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập và phương pháp lập quy hoạch và về danh mục, nội dung, thành phần hồ sơ.  

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Tiến, về phạm vi quy hoạch đối với diện tích đất tự nhiên còn có sự chênh lệch so với nhiệm vụ quy hoạch và thời gian lập quy hoạch không đáp ứng theo tiến độ. Về nội dung lập quy hoạch, tôi đồng tình với các nội dung lập quy hoạch, như căn cứ lập quy hoạch, về quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án phát triển Thủ đô Hà Nội, về phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn và phương hướng phát triển các ngành lĩnh vực khác... 

Trước phiên thảo luận, các đại biểu xem videoclip về các nội dung chính của 2 đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Đăng Khoa
Trước phiên thảo luận, các đại biểu xem videoclip về các nội dung chính của 2 đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Đăng Khoa

Do đó, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, cần tập trung làm rõ thêm về nội dung, phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển Thủ đô Hà Nội. Nội dung này cơ bản đại biểu đồng tình, tuy nhiên cần làm rõ thêm các yếu tố, các điều kiện đặc thù quyết định đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.  

Về đánh giá thực trạng đối với nội dung này, đại biểu đề nghị làm rõ thêm kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất đai, phát triển hệ thống đô thị và nông thôn so với mục tiêu, chỉ tiêu tại Quyết định số 1081 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Những chỉ tiêu nào đạt và không đạt, đồng thời đánh giá lại các tiêu chí về kinh tế - xã hội xem còn tiêu chí nào chưa đạt theo Quyết định số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đối với đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Về điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, liên quan nội dung điều chỉnh quy hoạch, cơ bản đại biểu đồng tình thống nhất với các nội dung chủ yếu về điều chỉnh quy hoạch, định hướng phát triển không gian, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, về đánh giá hiện trạng cần làm rõ thêm về kết quả sau 11 năm thực hiện Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Nội. Đồng thời, đánh giá lại các tiêu chí về đô thị, còn tiêu chí nào chưa đạt theo quyết định số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn tỉnh Thái Bình) thảo luận tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn tỉnh Thái Bình) thảo luận tại hội trường

Góp ý hoàn thiện 2 đồ án quy hoạch bằng tình cảm, trách nhiệm với Thủ đô

Góp ý về nội dung mô hình thành phố trong Thủ đô trong đồ án điều chỉnh quy hoạch, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn tỉnh Thái Bình) bày tỏ mong muốn mô hình Thủ đô trong thành phố Hà Nội. Nên chăng các quận nội thành là Thủ đô Hà Nội, còn Hà Nội là thành phố Hà Nội gồm tất cả các quận nội thành và những khu vực khác? Như vậy, Nhà nước mới có nguồn lực để tập trung vào Thủ đô, 63 tỉnh, thành phố sẽ sẵn sàng đóng góp cho Thủ đô Hà Nội. 

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, trong các quận nội thành hay nội đô, từ 4-6 quận, thì Thủ đô phải là trung tâm chính trị, văn hóa, chứ không phải là trung tâm chính trị, kinh tế. Vừa qua, Hà Nội đã làm rất tốt, đã đầu tư kinh phí để làm những khu vực di tích hơn 1.000 tỷ đồng, đại biểu cho rằng, cần thiết phải làm nữa. Khu vực 36 phố phường phải giữ nguyên hiện trạng; kiên quyết không cho xây các toà nhà cao tầng ở nội đô.

“Tôi rất mong muốn Quốc hội, Đảng và Nhà nước nghiên cứu quan điểm của tôi, Thủ đô Hà Nội nằm trong thành phố Hà Nội, thành phố Hà Nội vì Thủ đô Hà Nội. Còn lại các tỉnh, thành cũng vì Thủ đô Hà Nội thì chúng ta mới có thể làm được và ước vọng của chúng ta mới đạt được kết quả” - đại biểu Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, qua thảo luận, các đại biểu thống nhất 2 đồ án quy hoạch là 2 nhiệm vụ quy hoạch rất quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô cả trước mắt và lâu dài. Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình với Thủ đô, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để hoàn thiện 2 nhiệm vụ quy hoạch.

Thống nhất với nhiều nội dung nhưng các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm 2 đồ án quy hoạch tuân thủ Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị; phù hợp với chủ trương của Đảng, có tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội; tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại cả trước mắt và lâu dài.

Ngoài ra, 2 đồ án cần đồng bộ, không chồng chéo mâu thuẫn với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, tương thích với Dự thảo Luật Thủ đô đang sửa đổi; rà soát hoàn thiện thêm các nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện, danh mục dự án, thứ tự ưu tiên và tính thống nhất đồng bộ số liệu hồ sơ, tài liệu trong 2 đồ án quy hoạch.