Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai đôi hợp thành bộ ba

Lô Khê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ và Canada vừa tuyên cáo là đã đạt được sự nhất trí về thoả thuận mậu dịch tự do song phương mới

Điều đáng được chú ý đến nhất ở đây không phải là hai nước láng giềng của nhau ở khu vực Bắc Mỹ này định hình lại mối quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại song phương mà là việc thoả thuận này cùng với thoả thuận tương tự đã  đạt được giữa Mỹ và Mexico hồi tháng 8 vừa qua tạo thành thoả thuận mới giữa ba nước này thay thế cho Hiệp định về khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (Nafta)  giữa Mỹ, Canada và Mexico có hiệu lực từ năm 1994. Mỹ và Mexico đã cố tình trì hoãn việc công bố thoả thuận song phương riêng kia để tạo cơ hội cho hai thoả thuận tay đôi hợp lại thành thoả thuận tay ba.

 

 Ảnh minh họa

Nafta đã đem lại lợi ích rất to lớn cho cả ba nước. Chẳng hạn như kim ngạch thương mại của Mỹ với hai nước láng giềng này từ năm 1994 đến nay đã tăng gấp 4 lần. Cho đến thời điểm hiện tại, nó vẫn là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất trên thế giới. Nó bị tổng thống mới của Mỹ Donald Trump chủ ý xoá sổ bởi ông Trump sùng tín chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và muốn  có những thoả thuận mới mang dấu ấn riêng của mình, tức là tự do thương mại cũng được, nhưng phải theo tiêu chí và điều kiện của Mỹ. Canada và Mexico vì thế phải tiến hành đàm phán lại với Mỹ về Nafta vì thế và phải chấp nhận cách thức tến hành đàm phán của ông Trump là hai nước này trước hết đàm phán song phương với Mỹ và sau đó hai đôi mới hợp lại thành bộ ba. Hiểm ý của ông Trump ở đây là dùng thoả thuận song phương của Mỹ với nước này để gây áp lực với nước kia và không cứ nhất thiết phải có Nafta 2.0 nếu không đạt được thoả thuận giữa 3 bên mà thay thế Nafta bằng thoả thuận song phương. Bây giờ, mọi trở ngại đã được dọn dẹp để bộ ba này có thể hướng đến Nafta 2.0 trong thời gian tới.

Sau khi Mỹ và Mexico đạt được thoả thuận song phương riêng về thương mại tự do, Canada bị đẩy vào tình thế khó khăn, khó xử hơn trước và chịu áp lực ngày càng tăng là phải đạt được thoả thuận tương tự với Mỹ. Nhưng cả ông Trump cũng bị áp lực nhất định khi Mỹ đạt được thoả thuận song phương với tổng thống sắp mãn nhiệm của Mexico mà vị tổng thống mới của nước này lại chủ trương "chỉ có thoả thuận tay ba, tức là Nafta 2.0, chứ không chấp nhận 2 thoả thuận tay đôi giữa Mexico với Mỹ và giữa Mexico với Canada". Sau những gì vừa đạt được với Hàn Quốc trên lĩnh vực này - ông Trump đã ký kết thoả thuận về thương mại tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây khi cả hai người cùng tới dự khoá họp ĐHĐ năm nay của LHQ ở New York (Mỹ) - ông Trump cần thành tích mới trên phương diện này để phục vụ cho cuộc vận động tranh cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Sự hài lòng của thủ tướng Canada Justin Trudeau cho thấy ông Trump đã chịu nhượng bộ đáng kể cho Canada. Chắc chắn phía Canada cũng đã như vậy. Nafta 2.0 là một thành quả có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ông Trump cả về đối ngoại lẫn đối nội. Ông Trump sẽ sử dụng nó làm bằng chứng về tính đúng đắn, khả thi và thành công của đường lối chính sách thương mại và hợp tác quốc tế của mình, trong đó có cả chuyện gây xung khắc thương mại với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ. Nó khích lệ ông Trump tiếp tục đi xa hơn nữa với mức độ quyết liệt hơn nữa trong chuyện xung khắc thương mại với các đối tác bên ngoài của Mỹ.