Hải Dương: Tu bổ lại nghi môn đền An Liệt theo nguyên mẫu cũ

Vĩnh Quân - Hải Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến phản ánh của báo chí về việc nghi môn đền An Liệt (xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, Hải Dương) bị thay bằng cổng sắt do... thiếu tiền, sáng 9/4, UBND xã Thanh Hải đã động thổ, xây dựng lại nghi môn Di tích cấp Quốc gia đền An Liệt theo nguyên mẫu cũ.

Tại lễ động thổ, một doanh nghiệp đã tài trợ số tiền 1 tỷ đồng để UBND xã Thanh Hải khôi phục nghi môn đền.

Ông Nguyễn Đức Tới - Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: Sau lễ động thổ, nghi môn đền An Liệt sẽ được tu bổ theo đúng hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo đền An Liệt đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch phê duyệt.

Đền An Liệt trước và sau khi tu bổ đã phá vỡ kết cấu.
Đền An Liệt trước và sau khi tu bổ đã phá vỡ kết cấu.

Theo đó, nghi môn đền An Liệt được thiết kế có kiến trúc kiểu chồng diêm cổ có 8 mái gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ, đao tàu chéo góc, các góc mái đắp đao, kìm nóc theo nguyên mẫu trụ cổng Nghi môn cũ.

Trước đó, báo Kinh tế & Đô thị đã có bài phản ánh “Cổng đền di tích quốc gia An Liệt bị thay bằng cổng sắt do... thiếu tiền”.

Theo đó, di tích đền An Liệt được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII) thờ Ngũ vị đại vương. Đền có kiến trúc kiểu tiền Nhất (-), hậu Đinh (J) gồm 3 gian Tiền bái, 3 gian Trung từ và 1 gian Hậu cung với nhiều chạm khắc theo kiến trúc thời Nguyễn được lưu giữ đến ngày nay.

Hiện di tích còn lưu giữ 16 đạo sắc phong có niên đại từ thời Tây Sơn đến thời Nguyễn, bia đá thời Nguyễn và nhiều di vật, cổ vật có giá trị nghệ thuật cao. Ngày 26/6/1995, Bộ VH&TT (nay là Bộ VHTT&DL) ban hành Quyết định số 2233QĐ/BT về việc xếp hạng đền An Liệt là di tích cấp quốc gia.

Qua thời gian, do công trình được xây dựng bằng vật liệu vôi, vữa, có hiện tượng nứt, nghiêng, mái bị sụt lún, rơi vỡ gạch ngói gây nguy hiểm cho Nhân dân và du khách thập phương, UBND xã Thanh Hải đã làm Tờ trình số 42/TTr-UBND ngày 15/10/2018 về việc xin trùng tu di tích đền An Liệt theo các hạng mục: Tiền bái, nghi môn, sân và hàng rào. Ngày 10/12/2018, Bộ VHTT&DL đã ban hành Công văn số 5568/BVHTTDL-DSVH về việc thỏa thuận Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đền An Liệt.

Theo hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo đền An Liệt đã được Bộ VHTT&DL thỏa thuận tại Công văn số 5568/BVHTTDL-DSVH ngày 10/12/2018: Nghi môn đền An Liệt được thiết kế có kiến trúc kiều chồng diêm cổ các 8 mái, gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ, đao tàu chéo góc, các góc mái đắp đao, kìm nóc theo nguyên mẫu trụ cổng nghi môn cũ.

Tuy nhiên, nghi môn hiện trạng lại được tu bổ, tôn tạo theo kiểu tứ trụ, không mái, cánh cửa bằng kim loại. Cũng từ đó, dư luận phản ứng về việc phục dựng nghi môn không đúng nguyên bản đã làm ảnh hưởng đến giá trị di tích lịch sử văn hóa đền An Liệt.

Ngày 23/3, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Tới - Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: Năm 2018, cổng tam quan, mái đền và cửa tiền thế quá xuống cấp nên Sở VHTT&DL đã về thẩm định. Sau đó, các cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng ý cho địa phương sửa chữa những hạng mục này. Khi đó, xã làm chủ đầu tư công trình và kinh phí dự toán sửa chữa đền là hơn 2,2 tỷ, nhưng khi tiến hành sửa chữa kinh phí chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng.

''Dự án được trên hỗ trợ 150 triệu đồng còn lại là nguồn ngân sách xã hội hóa. Toàn bộ những phần được tu bổ, sửa chữa chúng tôi đều đáp ứng theo đúng thiết kế ban đầu. Trong đó, nghi môn cũ được hạ giải và khôi phục theo đúng kiến trúc truyền thống. Nhưng khi sửa chữa đã 2 lần kêu gọi xã hội hóa vẫn bị thiếu kinh phí nên tạm thời để cổng như hiện nay. Khi nào có đủ kinh phí chúng tôi sẽ xây dựng lại theo kiến trúc ban đầu. Toàn bộ quá trình làm đều được Sở VHTT&DL giám sát. Hiện, gói 1 gồm phần hậu cung đã được quyết toán, gói 2 phần nghi môn thì chưa" - ông Nguyễn Đức Tới nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần