Hải Dương: Xe buýt, taxi ế ẩm vì không có khách

Vĩnh Quân - Hải Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi tại tỉnh Hải Dương đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn hậu Covid-19, "đồng thanh" kêu lỗ vì không có khách hàng…

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh, vận tải của hàng trăm xe buýt tại Hải Dương. Ảnh Vĩnh Quân
Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh, vận tải của hàng trăm xe buýt tại Hải Dương. Ảnh Vĩnh Quân

Điêu đứng vì xe khách "trá hình"

Theo số liệu thống kê của Sở GTVT tỉnh Hải Dương, trước dịch Covid-19, trên địa bàn có 15 tuyến xe buýt hoạt động (9 tuyến ngoại tỉnh và 6 tuyến nội tỉnh) của 13 doanh nghiệp trong tỉnh và 3 doanh nghiệp ngoài tỉnh, với tổng số 240 phương tiện; riêng taxi có tới 761 xe của 18 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn “hậu Covid”, hoạt động của doanh nghiệp đình trệ và điêu đứng, khi trên địa bàn tỉnh chỉ có 12 tuyến xe buýt hoạt động (6 tuyến ngoại tỉnh, 6 tuyến nội tỉnh của 13 doanh nghiệp trong tỉnh và 2 doanh nghiệp ngoại tỉnh) với tổng số 198 phương tiện; còn có 554 xe taxi của 19 doanh nghiệp, sụt giảm 207 phương tiện taxi so với trước dịch.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải Hưng - Giám đốc Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng chia sẻ, xe buýt là phương tiện dành cho nhóm người có thu nhập thấp, chủ yếu công nhân, học sinh, sinh viên, người hưu trí đi khám chữa bệnh… Trước đây đi lại bằng xe buýt rất thông dụng bởi giá rẻ và ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 cùng với giá nhiên liệu tăng cao khiến loại hình kinh doanh này gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng xe limousine hoạt động "trá hình" càng khiến dịch vụ vận tải công cộng "khó chồng khó".

Hiện toàn tỉnh Hải Dương có 200 chiếc xe limousine hoạt động dưới hình thức "đón tận nhà, đưa tận nơi". Dịch vụ này là một phần nguyên nhân khiến người dân từ bỏ thói quen đi xe buýt. Do đó sản lượng dịch vụ khôi phục chỉ chiếm khoảng 55% so với thời điểm trước dịch Covid-19.

''Vì thế, để cứu các doanh nghiệp vận tải công cộng trên địa bàn tỉnh, các cấp chính quyền cần có phương án miễn, giảm thuế, phí để giúp doanh nghiệp vận tải vượt qua giai đoạn khó khăn này” - ông Hưng kiến nghị.

Nhiều hãng taxi phải bán xe để duy trì tổ chức. Ảnh: Vĩnh Quân
Nhiều hãng taxi phải bán xe để duy trì tổ chức. Ảnh: Vĩnh Quân

Cần giải pháp “trợ lực” cho ngành vận tải 

Chia sẻ về những trở ngại mà ngành dịch vụ vận tải đang gặp phải, ông Đỗ Viết Tuấn - Giám đốc điều hành Taxi Mai Linh tại Hải Dương cho biế, hiện vấn đề khó khăn nhất của các hãng taxi là áp lực về mặt tài chính. Mặc dù không có doanh thu, nhưng doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động làm cạn kiệt vốn lưu động. Hạn mức vay đã sử dụng hết, dẫn đến việc mất khả năng thanh toán các chi phí thiết yếu như lương, nhiên liệu, sửa chữa, bến bãi, cũng như các khoản nợ đến hạn của ngân hàng.

Khi đơn vị không có khả năng thanh toán được khoản nợ, buộc các hãng taxi phải bán xe bù lỗ để duy trì tổ chức. Muốn tái đầu tư nhưng lại không có xe cho chuỗi cung ứng. Cùng với đó ngân hàng siết chặt tín dụng nên doanh nghiệp không vay vốn được.

''Toàn bộ xe taxi trên địa bàn tỉnh Hải Dương giảm gần 40%. Riêng đối với hãng Mai Linh giảm từ 220 xe xuống còn 153 xe. Thách thức là rất lớn, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý sớm có những giải pháp “trợ lực” cho ngành vận tải với những chính sách như hỗ trợ ngân hàng giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nới lỏng việc vay vốn” - ông Tuấn nêu thực trạng.

Còn ông Vũ Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương cho biết, những năm gần đây, số lượng xe buýt và xe taxi trên địa bàn sụt giảm. Đặc biệt doanh thu của xe buýt rất thấp, hầu hết doanh nghiệp xe buýt đều phải bù lỗ để duy trì. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do từ năm 2020 trở lại đây, dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu đi lại của người dân sụt giảm. Bên cạnh đó giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới việc vận hành.

Nhà xe vắng khách, phương tiện nằm dài tại bến. Ảnh: Vĩnh Quân
Nhà xe vắng khách, phương tiện nằm dài tại bến. Ảnh: Vĩnh Quân

Cùng với đó, hiện thị phần dành cho vận tải hành khách bằng xe buýt, taxi ngày càng thu hẹp do phương tiện cá nhân gia tăng; xe khách "trá hình" tăng mạnh; các doanh nghiệp tự thuê xe đưa, đón công nhân hoặc cụm công nghiệp được xây dựng gần huyện, thị xã, thành phố... nên người lao động không có nhu cầu đi xe buýt.

Ngoài ra, số lượng khách sụt giảm còn do xe buýt phải tuân thủ lịch trình hoặc một số xe vẫn bỏ lốt, bỏ lượt, chạy sai lịch trình... khiến hành khách không còn "thiết tha" khi đi xe buýt.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, taxi, Sở GTVT Hải Dương đã yêu cầu các đơn vị khai thác xây dựng và đề xuất phương án hoạt động bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách nâng cao chất lượng phương tiện, phong cách phục vụ; chạy đúng biểu đồ, tần suất và thời gian quy định.

''Sự sụt giảm số lượng xe vận tải hành khách, đặc biệt đối với buýt tuyến đã cho thấy một thực trạng đáng báo động cho loại hình vận tải công cộng. Vì thế, để phát triển được mạng lưới xe buýt, cần sự thống nhất hài hoà lợi ích giữa nhà nước - nhà đầu tư - người dân; đồng thời cần chính sách đột phá hơn nữa để thu hút phát triển mạng lưới xe buýt công cộng'' - ông Hạnh nhấn mạnh.