Hài hòa giữa quyền tự do báo chí và quyền nhân thân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do báo chí nhưng cũng quy định mọi người dân có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Với quy định này của Hiến pháp, đòi hỏi Luật Báo chí phải giải quyết mối quan hệ giữa quyền tự do báo chí và quyền của cá nhân đối với bí mật đời tư, quyền đối với hình ảnh, quyền bảo vệ danh dự, uy tín. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin đưa ra một số nhận xét và góp ý đối với Dự thảo Luật Báo chí đang được xây dựng và dự kiến trình Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 11 để hoàn thiện hơn nữa lĩnh vực pháp luật này.
Việc thông tin, đăng tải hình ảnh trên báo chí cần được thực hiện đúng quy định pháp luật.           Ảnh: Thanh Hải
Việc thông tin, đăng tải hình ảnh trên báo chí cần được thực hiện đúng quy định pháp luật. Ảnh: Thanh Hải
 Pháp luật dân sự hiện hành quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Thực tế hiện nay, hầu hết các thông tin của một cá nhân, đặc biệt là hình ảnh được dư luận biết đến đều thông qua các trang báo, đặc biệt báo hình, báo điện tử luôn thu hút được lượng độc giả đông đảo. Không ít trường hợp các nhà báo tác nghiệp nhưng vi phạm nghiêm trọng quyền nhân thân của cá nhân như đưa các hình ảnh nhạy cảm, cắt dán hình ảnh của cá nhân, video clip… vào bài báo của mình nhằm thu hút độc giả. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân đó. Ngoài ra, nhiều tờ báo có xu hướng săn các tin tức về đời tư của cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng nhằm thu hút độc giả mà chưa quan tâm nhiều đến ý kiến của những chủ thể có quyền.

Luật Báo chí hiện hành cũng như Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi quy định về quyền tự do báo chí khá rộng. Theo đó, báo chí, nhà báo có quyền tiếp cận các thông tin mà Nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; có quyền được biểu đạt thông tin, tham gia giám sát, phản biện xã hội; cơ quan, tổ chức, cá nhân không được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Trong khi đó, các quy định để thể hiện trách nhiệm và kiểm soát việc thực hiện quyền tự do báo chí trong Dự thảo Luật còn có nhiều bất cập. Cụ thể: Dự thảo Luật quy định dành Chương II đặt tên là “Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí”, trong đó lại quy định về cả các quyền và trách nhiệm của các cơ quan báo chí và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức khác. Điều đó cho thấy phần nào các quy định về trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động báo chí bị coi nhẹ. Tác giả cho rằng, chương này nên đổi tên thành “Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và trách nhiệm của người tham gia hoạt động báo chí” sẽ đảm bảo sự hợp lý trong việc thể hiện các quyền và trách nhiệm của người làm báo hơn.

Khoản 5 Điều 11 Dự thảo Luật quy định: “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đây là quy định mang tính nghĩa vụ và trách nhiệm nhưng lại được đặt trong Điều 11 quy định về “Quyền tự do báo chí”. Điều này cho thấy Dự thảo Luật còn có sự lúng túng và chưa rõ ràng trong việc quy định về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia hoạt động báo chí.

Đặc biệt, Dự thảo Luật thiếu hẳn các quy định thể hiện trách nhiệm của nhà báo, của các báo trong việc tôn trọng các quyền nhân thân của cá nhân đã được Bộ luật Dân sự quy định. Trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo muốn bảo vệ quan điểm cơ quan báo chí hoặc nhà báo cần phải có sự ưu tiên hoặc ngoại lệ thì cũng phải làm rõ phạm vi ưu tiên khi thực hiện các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến quyền nhân thân đã được Bộ luật Dân sự bảo vệ. Trên cơ sở đó, những chủ thể có quyền nhân thân đối với hình ảnh, danh dự, nhân phẩm uy tín, bí mật đời tư có cơ sở để yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ khi bị xâm phạm.

Với quy định nêu trên, tác giả cho rằng, Dự thảo Luật đang mất cân bằng giữa việc điều chỉnh quyền ưu tiên cho phía báo, nhà báo và quyền đối với quyền nhân thân của công dân. Toàn bộ Dự thảo không tiếp nối quy định hoạt động đúng pháp luật của nhà báo là như thế nào, cũng như không có chế tài cụ thể cho những hành vi vi phạm quyền đối với hình ảnh đã được Hiến pháp và Bộ luật Dân sự quy định ra sao.

Hệ thống các quyền nhân thân của con người đang được hầu hết các quốc gia trên thế giới lưu tâm và bổ sung để nâng cao quyền con người trong xã hội. Trong xu thế hội nhập như hiện nay, Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi cần hoàn thiện hơn nữa để bảo đảm thực hiện hài hòa giữa quyền tự do báo chí và quyền nhân thân của công dân.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần