Hài hòa lợi ích vỉa hè

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vỉa hè là của chung, không của riêng ai. Vậy nhưng, câu chuyện quản lý vẫn chưa thể triệt để, vì trong nó bao hàm những nét văn hóa riêng và cả kế sinh nhai của không ít gia cảnh...

Thế nên, chẳng riêng Hà Nội, mà cả TP Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây, vỉa hè được đưa ra bàn thảo phương cách quản lý sao cho hiệu quả nhất.

Lực lượng chức năng phường Ngã Tư Sở nhắc nhở các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè. Ảnh: Vân Nhi
Lực lượng chức năng phường Ngã Tư Sở nhắc nhở các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè. Ảnh: Vân Nhi

Khoảng chục năm trước, đã có ý kiến đề xuất việc cho người dân thuê lại một phần vỉa hè để xe. Diện tích được thuê khoảng 2m bề rộng, bởi vỉa hè là đất công. Nếu thực hiện, vỉa hè sẽ ngăn lắp hơn, khi chính người đó đứng ra tự quản, Nhà nước cũng thu về một khoản để lại ngân sách của phường quản lý sử dụng vào mục đích duy tu...

Tuy nhiên, để áp dụng lại rất khó, bởi các quy định của pháp luật đang nghiêm cấm cho cá nhân thuê vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Và không phải tất cả hộ mặt phố đều có nhu cầu thuê vỉa hè. Vậy nên, về nguyên tắc, cơ quan chức năng đang cố gắng giải quyết bài toán hài hòa lợi ích chung từ vỉa hè. Những ngày gần đây, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh bàn thảo phương án cho thuê vỉa hè.

Thực tế, vấn đề quản lý vỉa hè vẫn luôn khiến các cơ quan chức năng đau đầu. Một trong những nguyên nhân chính do tâm lý của một bộ phận người dân chưa thông suốt; tư tưởng kinh tế vỉa hè vẫn ăn sâu, bám rễ; đặc biệt hơn, vỉa hè còn là "miếng cơm manh áo" của nhiều gia cảnh.

Những năm trước, để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, TP Hà Nội đã có nhiều quy định, trong đó yêu cầu chính quyền phường, quận kẻ vạch, phân chia làn để xe và làn cho người đi bộ. Khoảng năm 2017, đồng loạt các địa phương ra quân triển khai thực hiện và cho kết quả khả quan. Rồi khi dịch Covid-19 ập đến, bùng phát, buộc phải thực thi giãn cách xã hội, vỉa hè, lòng đường thông thoáng lạ thường. Từ khi trở lại trạng thái bình thường mới đến nay, dường như việc quản lý vỉa hè bị buông lơi. Thế nên, vỉa hè, lòng đường tại nhiều khu vực bị lấn chiếm trở lại, gây bức xúc trong dư luận.

Để chấn chỉnh lại, mới đây, Hà Nội tiếp tục ra văn bản về tăng cường sự lãnh đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng, yêu cầu tất cả địa phương, cơ quan chức năng toàn TP vào cuộc.

Trong đó, yêu cầu Công an TP, các quận, huyện, thị xã thường xuyên tổ chức đợt cao điểm xử lý trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị; kiên quyết xử lý phương tiện lấn chiếm lòng, đường, vỉa hè, dừng, đỗ xe sai quy định, các điểm trông giữ phương tiện tự phát. Sở GTVT phối hợp với các quận, huyện thường xuyên rà soát việc phân luồng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, hướng dẫn giao thông; khuyến khích đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung, bãi đỗ xe ngầm, giảm thiểu tình trạng đỗ xe sai quy định.

Hy vọng, sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng tới đây sẽ tạo dựng mới bộ mặt đô thị văn minh hơn. Còn về lâu dài, để quản lý vỉa hè bền vững, đảm bảo không gây cản trở giao thông cho người đi bộ, duy trì vệ sinh môi trường xung quanh cũng như mỹ quan đô thị; đảm bảo kế sinh nhai của một bộ phận người dân…, chắc chắn phải đưa ra giải pháp tổng thể mới giải quyết được bài toán hài hòa lợi ích giữa các bên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần