Deepfake là gì?
Deepfake là thuật ngữ được tạo nên với sự kết hợp của “Deep Learning” (học sâu) và “Fake” (giả mạo). Nói một cách đơn giản hơn đây là công nghệ mô phỏng hình ảnh khuôn mặt con người và tạo ra các sản phẩm âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là cả video giả.
PGS.TS Lê Trọng Vĩnh (Đại học Quốc gia Hà Nội” cho rằng: “Về bản chất, công nghệ Deepfake được xây dựng trên nền tảng công nghệ học máy mã nguồn mở của hãng công nghệ Google. Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người, sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật”.
Như thế nếu chúng ta càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để học và tạo ra các hình ảnh hoặc video giả chân thực hơn. Thực tế chúng ta đã thấy Deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngạc.
Mảng tích cực của Deepfake
Công nghệ Deepfake ra đời cho chúng ta có thể tạo ra những bộ phim chân thực, nâng cao hơn nữa chất lượng của trò chơi điện tử và nội dung đa phương tiện khác. Các ngành sáng tạo như làm phim và quảng cáo có thêm một công cụ tuyệt vời để lồng tiếng, thực hiện cảnh khó quay, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất. Deepfake giúp tạo ra những trò giải trí online, giúp người dùng dễ dàng hoán đổi khuôn mặt mình với các nhân vật nổi tiếng.
Công nghệ này cũng được phát triển dành cho những người mua sắm trực tuyến thử quần áo trong những phòng thử đồ ảo. Các chuyên gia CNTT cho rằng, Deepfake sẽ là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ, với chức năng cắt ghép ảnh một cách tự động và chính xác.
Tiết kiệm chi phí. Lúc này Deepfake sẽ tạo ra “diễn viên ảo”, khi đó các nhà sản xuất chỉ cần mua giấy phép sử dụng hình ảnh diễn viên để tạo hoặc sử dụng lại một video quảng cáo, sau đó chèn hình ảnh và lời thoại thích hợp để tạo ra một sản phẩm quảng cáo mới
Dễ dàng tiếp thị đa kênh. Các studio có thể dễ dàng điều chỉnh/sản xuất video để phù hợp với tính chất từng kênh tiếp thị. Deepfake để sử dụng “diễn viên ảo” trong nhiều nền tảng khác nhau trên Youtube, TikTok, Instagram…. Chưa kể, quy trình này không hề đắt đỏ và mất nhiều thời gian bằng việc thuê diễn viên để quay lại một lần nữa.
Cá nhân hóa nội dung. Công nghệ Deepfake sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho các studio cá nhân hóa nội dung. Với công nghệ này, các nhà sản xuất có thể dễ dàng điều chỉnh video/hình ảnh sao cho phù hợp với các yêu cầu khách hàng như thay đổi ngôn ngữ, màu da, giọng nói. Nói tóm lại, công nghệ Deepfake có thể mang lại sự thay đổi to lớn trong cách quay và trình chiếu các bộ phim và chương trình cho người xem.
Mặt trái Deepfake là gì?
Thực tế khi Deepfake phổ biến thì giới tội phạm mạng đã và đang sử dụng vào nhiều mục đích xấu. Deepfake cho phép tội phạm mạng dễ dàng tạo nội dung lừa đảo và lan truyền thông tin sai lệch có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến người xem.
Trong thực tế đời sống, người dùng không dễ dàng phát hiện ra một hình ảnh hoặc video Deepfake, vì vậy hầu hết người xem trực tuyến có thể trở thành nạn nhân của thông tin sai lệch được lan truyền bằng công nghệ Deepfake.
Giới tội phạm Mỹ và châu Âu đã dùng Deepfake thay đổi các cảnh quay lịch sử và tạo ra các câu chuyện tin tức giả mạo. Không chỉ vậy, công nghệ Deepfake có thể được sử dụng cho nhiều loại tội phạm khác nhau, chẳng hạn như làm mất uy tín của một cá nhân, công ty, tổ chức nào đó. Đơn giản nhất là người ta dùng Deepfake tạo video khiêu dâm liên quan đến bạn rồi đăng lên Facebook? Thực tế người ta đã sử dụng Deepfake nhằm làm mất uy tín, sỉ nhục, quấy rối hoặc chơi xấu và dùng vào mục đích tống tiền người khác.
Các chuyên gia lo ngại công nghệ Deepfake có thể tác các nhân vật có tiếng tăm như chính trị gia, nhà lãnh đạo doanh nghiệp rất dễ có nguy cơ bị tấn công bằng video giả mạo. Khi một khi video bị lan truyền trên Internet thì gần như không thể ngăn chặn nổi và bằng mắt thường người xem rất khó để phân biệt tính thật giả của những nội dung này.
Tóm lại, bên cạnh điểm ưu mà công nghệ Deepfake mang lại cho các lĩnh vực như truyền thông, giải trí, trò chơi… thì công nghệ này cũng có thể được sử dụng để lừa đảo trên Internet và lan tỏa những thông tin giả. Vì vậy, các cơ quản lý Việt Nam cần có các biện pháp thích hợp để ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ Deepfake, trước mắt cần phải sửa đổi các quy định pháp luật.