Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai “ông lớn” NATO không ủng hộ việc kết nạp Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Truyền thông Mỹ đưa tin Washington và Berlin được cho là phản đối việc mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào tháng 7 tới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr  Zelensky (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg dự họp báo tại thượng đỉnh  NATO  vào ngày 12/7/2023 tại Vilnius, Lithuania. Ảnh: Getty
Tổng thống Ukraine Volodymyr  Zelensky (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg dự họp báo tại thượng đỉnh  NATO  vào ngày 12/7/2023 tại Vilnius, Lithuania. Ảnh: Getty

Tờ New York Times hôm 4/4 đưa tin, Mỹ và Đức hiện không ủng hộ việc kết nạp Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mặc dù vẫn cam kết hỗ trợ an ninh dài hạn cho Kiev.

Theo New York Times, hai quốc gia thành viên NATO được cho là phản đối việc mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào tháng 7 tới.

Các quan chức trong liên minh do Mỹ dẫn đầu lo ngại rằng việc kết nạp Ukraine "sẽ lôi kéo NATO vào cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 3/4 đã đề xuất thành lập một quỹ đóng góp từ các đồng minh trị giá hơn 100 tỷ USD trong 5 năm cho Ukraine để thúc đẩy việc chuyển giao thêm vũ khí cho Kiev trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang năm thứ 3.

Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao phương Tây nói với New York Times rằng kế hoạch này không khả thi trong thời điểm hiện tại.

Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder cho biết, Washington dường như ngầm phản đối sáng kiến này do lo ngại ảnh hưởng đến vai trò của Washington trong việc điều phối hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Trong khi đó, Hungary ngày 4/4 cũng lên tiếng phản đối việc thành lập quỹ viện trợ quân sự trị giá 100 tỷ euro cho Ukraine. 

Theo hãng tin Tass,  trong bài phát biểu trên kênh truyền hình M1 của Hungary, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố: "Nếu NATO thông qua gói 100 tỷ euro trong thời hạn 5 năm, điều đó sẽ dẫn đến chi phí bổ sung cho ngân sách Hungary lên tới 10 tỷ euro. Tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng, việc sử dụng số tiền này của người nộp thuế Hungary để thực hiện một quyết định có nguy cơ dẫn tới chiến tranh là không phù hợp".

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Tass
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Tass

Ngoại trưởng Szijjarto lưu ý thêm rằng ông không phải là bộ trưởng duy nhất tại cuộc họp phản đối việc thành lập quỹ. Theo Ngoại trưởng Hungary, các nước khác, trong đó có một thành viên lớn của NATO, cũng "chỉ trích ý tưởng này từ góc độ tài chính". "100 tỷ euro là số tiền rất lớn” – ông Szijjarto nhấn mạnh.

Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Chính quyền Kiev ngày càng sốt sắng với mục tiêu này hơn sau khi xung đột với Nga nổ ra cách đây 2 năm.

Tuy nhiên, hiện tại NATO chưa chấp nhận đơn xin gia nhập của Ukraine. Nếu được kết nạp, Ukraine sẽ được đảm bảo an ninh theo Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO. Điều khoản này quy định, bất cứ cuộc tấn công hay mối đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của khối sẽ bị coi là tấn công, đe dọa cả liên minh, NATO có quyền đáp trả tập thể.

NATO hiện có 32 quốc gia thành viên, trong đó thành viên mới kết nạp là Phần Lan và Thụy Điển.

Về phần mình, Moscow nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc NATO mở rộng hiện diện về phía Đông, tiến sát biên giới Nga. Moscow coi việc NATO mở rộng hiện diện ở khu vực là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Vào tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẽ không có việc Nga tấn công châu Âu sau khi giành chiến thắng tại Ukraine.

Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, Moscow đã nhiều lần chỉ trích Mỹ và các đồng minh NATO đã can thiệp vào chiến sự thông qua việc cung cấp vũ khí tiên tiến, chia sẻ thông tin tình báo cũng như đào tạo quân đội Ukraine. Moscow cảnh báo việc phương Tây hỗ trợ vũ khí cho Kiev sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột. Chính quyền Moscow cũng cáo buộc phương Tây sử dụng Ukraine như một công cụ nhằm gây ra “thất bại chiến lược” đối với Nga.