Cưỡng chế thành công giai đoạn 1 các hộ nuôi ngao trái phép
Việc cưỡng chế diễn ra trong 2 ngày 14 – 15/10 và đến hiện tại tình hình an ninh trật tự trên biển đã ổn định. Trước đó ngày 12/1/2022, UBND huyện đã tổ chức đối thoại với các hộ nuôi ngao có đơn đề nghị.
Chủ tịch huyện Kiến Thuỵ Nguyễn Văn Tuấn cho biết, tổng số hộ nuôi ngao không phép thực hiện cưỡng chế giai đoạn 1 là 37 hộ với 48 chòi canh. Đến nay, đã có 14 hộ có đơn tự nguyện xin thu hoạch ngao, tháo dỡ chòi canh, bàn giao mặt bằng cho địa phương quản lý (06 hộ giai đoạn 1 đã tự nguyện tháo dỡ 06 chòi canh và 08 hộ giai đoạn 2). Còn 31 hộ với 42 chòi canh chưa tự nguyện chấp hành việc giải tỏa, di dời hoạt động nuôi ngao không phép (giai đoạn 1) trên khu vực biển huyện Kiến Thụy.
Ngày đầu tiên thực hiện cưỡng chế huyện đã tiến hành tháo dỡ, di dời 39/48 chòi canh trong đó có 06 chòi các hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ và 33 chòi đã thực hiện cưỡng chế. Đến 10h ngày 15/10 hoàn thành việc cắm 16 phao tiêu bao quanh, xác định ranh giới các mỏ cát, bàn giao cho các Doanh nghiệp, tổ bảo vệ để thực hiện bảo vệ 24/24 giờ hàng ngày. Hoàn thành tháo dỡ, di dời toàn bộ 48/48 chòi canh theo kế hoạch.
Đến hiện tại an ninh trật tự trên khu vực biển và địa bàn được đảm bảo tuyệt đối, không xảy ra tình huống, diễn biến phức tạp. Các hộ dân nuôi ngao đã chấp hành trong quá trình cưỡng chế…
Đề xuất bảo vệ phao tiêu chòi canh suốt 24/24 giờ.
Trong thời gian tới UBND huyện Kiến Thuỵ tiếp tục bảo vệ phao tiêu, chòi canh 24/24 giờ hàng ngày. Đồng thời không để xảy ra việc tái nuôi thả ngao của các hộ dân.
Thực hiện việc tuyên truyền đến các hộ nuôi ngao hoàn thành thu hoạch ngao trước ngày 15/11/2022 đối với khu vực các DN đã có kế hoạch khai thác cát phục vụ các dự án và trước ngày 30/11/2011 đối với các khu vực còn lại. Các hộ dân cần đăng ký số lượng người và phương tiện với Bộ đội biên phòng để được vào khu vực quy hoạch ngao và cam kết không làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự, hoạt động đi lại của các phương tiện khác tại khu vực.
Các cơ quan chức năng như Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, Công an thành phố tiếp tục tăng cường, hỗ trợ huyện đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ phao tiêu, chòi canh trên biển, mặt bằng diện tích đã cắm phao tiêu, cưỡng chế di dời, giải tỏa.
Các Sở, ngành thành phố tiếp tục hỗ trợ huyện trong công tác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, di dời, giải tỏa các hộ nuôi trồng thủy sản không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (giai đoạn 2) trên khu vực biển huyện Kiến Thụy.
Việc nuôi ngao trái phép khiến các DN lớn điêu đứng vì không có cát thực hiện dự án
Được biết, trước đó huyện Kiến Thụy có 89 hộ đang nuôi ngao trái phép với diện tích 2.557,5ha. Việc các hộ dân đã tiến hành nuôi ngao tự phát, vi phạm các quy định pháp luật về nông nghiệp.
UBND TP đã yêu cầu UBND huyện Kiến Thụy chuẩn bị cắm phao tiêu bao quanh khu vực biển; thiết lập hồ sơ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi ngao không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Trường hợp các hộ dân đã không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, sẽ thiết lập hồ sơ cưỡng chế buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi trồng thủy sản vi phạm theo quy định pháp luật.
Theo ông Trần Ngọc Toại, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kiến Thụy, trước tình hình, nhiều dự án đã được thành phố chấp thuận đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cảng biển, đê biển và các dự án khai thác cát để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhưng không thực hiện được do có sự ngăn cản trái phép của một số hộ dân nuôi ngao tự phát.
Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thu hút đầu tư của thành phố (nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài) và nhu cầu cát phục vụ cho các dự án phát triển thành phố. Lãnh đạo UBND TP, UBND huyện đã trực tiếp kiểm tra tại thực địa, tổ chức nhiều buổi đối thoại, làm việc với các hộ dân nuôi ngao và chỉ đạo kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm… Đặc biệt là một số DN hiện đang thiếu cát trầm trọng cho việc thi công dự án.